- Ngày 16/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ thị sát dọc tuyến đường sắt số 1 Bến Thành- Suối Tiên, chỉ đạo và đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị TP.HCM.
Phó Thủ tướng cùng đoàn đã đến kiểm tra tại công trường thi công ga nhà hát thành phố, ga Ba Son, bãi đúc, khu vực lao lắp dầm...sau đó có cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM về tiến độ thực hiện các tuyến metro.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tuyến metro số 1 |
Theo ông Bùi Xuân Cường - Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM: dự án đường sắt đô thị số 1 có tổng chiều dài 19,7km trong đó có 2,1 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao cùng với depot Long Bình (Q.9).
Toàn bộ dự án có mức đầu tư 54.006 tỷ đồng được chia làm 5 gói thầu trong đó 3 gói thầu đang được thực hiện, 2 gói thầu đang hoàn thiện kỹ thuật để đưa vào đấu thầu. Hiện, tiến độ thi công các dự án vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và tiến độ. Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2019 và vận hành một năm sau đó như kế hoạch.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), ông Cường cho biết, ban đầu dự án được phê duyệt với tổng mức vốn hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, do ảnh hưởng các yếu tố như trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng (bổ sung khối lượng cho việc kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm) nên tổng mức đầu tư mới dự kiến là hơn 2,1 tỷ USD (tăng 60% so với ban đầu).
Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công lưu ý vấn đề an toàn lao động, an toàn công trình; đồng thời thực hiện cẩn thận công tác quan trắc địa chất |
Trưởng ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM cho hay: "Hiện các ngân hàng nước ngoài đã đồng ý tài trợ bổ sung cho dự án tổng số tiền hơn 720 triệu USD".
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, TP HCM đã triển khai tuyến metro số 1 rất nhanh, đoạn trên cao có thể đưa vào khai thác từ năm 2019. Tuy nhiên, thành phố tìm cách rút lại một số thủ tục, đẩy nhanh gói thầu 1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát) để khai thác toàn tuyến từ năm 2020.
Về vướng mắc ở tuyến metro số 2, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xin phép chỉ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh vốn để tiết kiệm thời gian.
"Quốc hội họp mỗi năm chỉ 2 lần, mà chậm thêm một năm tổng mức đầu tư lại bị đội thêm 5-7%", ông Đông cho hay.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả đạt được của các dự án, đặc biệt là tuyến Bến Thành-Suối Tiên đã hình thành cơ bản được quy mô, hình hài của một trong những dự án đường sắt đô thị đầu tiên của đất nước - giải pháp giao thông hiện đại, có tính chiến lược đối với các thành phố quá tải như Hà Nội và TP.HCM.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý, các nhà thầu đôn đốc, khẩn trương thi công theo đúng kế hoạch; bảo đảm an toàn lao động, tính toán giảm thiểu ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Thi công dầm cầu tuyến metro số 1 |
Đối với một số vướng mắc của dự án tuyến số 1, trên tinh thần có những phương án, chính sách gỡ vướng tổng thể, kịp thời cho các dự án đường sắt đô thị nói chung, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ cho công tác giải ngân, cả vốn đối ứng cũng như vốn từ các Hiệp định vay. Bộ Xây dựng soạn thảo, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với thiết kế, công nghệ để áp dụng hiệu quả, phù hợp cho các tuyến khác nhau mà TP.HCM triển khai.
Đối với các tuyến còn lại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho ý kiến kết luận về vấn đề thủ tục để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, thông qua chủ trương đầu tư dự án; công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng vận hành, sửa chữa, việc đấu thầu, vốn tài trợ, thiết kế kỹ thuật, vấn đề GPMB ở các khu vực giáp ranh địa phương, tiếp thu công nghệ, chế tạo các thiết bị, lấy ý kiến rộng rãi người dân về mô hình toa xe, kiểm định an toàn hệ thống...
Qua cuộc thị sát, làm việc của Đoàn công tác, UBND TP.HCM cho biết sẽ trình Chính phủ cho phép sơ kết vấn đề triển khai các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ có báo cáo những vấn đề khung chính sách, kỹ thuật công nghệ, khó khăn trong vấn đề địa hình địa chất, cơ chế vận hành đối với việc xây dựng các công trình, mô hình giao thông hiện đại, công nghệ mới
Tuấn Kiệt