Con số tăng ngân sách quốc phòng còn cho thấy một sự cạnh tranh gay gắt trong việc phân bổ ngân sách giữa các lực lượng an ninh, công an và quân đội ở TQ.

Tuần đầu tháng 3, Chính phủ TQ vừa tuyên bố ngân sách quốc phòng năm 2016 của nước này sẽ chỉ tăng 7,6%. Theo đó, ngân sách của quân đội TQ (PLA) sẽ tăng lên 146 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010, so sánh với những năm trước đó như 2015 (10,2%) hay 2014 (12.2 %).  

Cạnh tranh ngân sách 

Mức tăng thấp nhất của ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm qua là do các khó khăn, sự giảm tốc của kinh tế TQ gần đây. Các khoản chi tiêu cụ thể như ngân sách quốc phòng do đó cần được cắt giảm tương ứng.  

Một số nhà phân tích cho rằng con số tăng 7,6% là khá bất ngờ. Với các thách thức an ninh và sức ép hiện đại hoá gia tăng trong thời gian gần đây, con số gia tăng ước đoán phải cao hơn nhiều lần. Thiếu tướng Vương Hồng Quang, cựu phó tư lệnh quân khu Nam Kinh, đánh giá ngân sách quốc phòng cho năm 2016 phải tăng ít nhất 20% thì mới đủ để PLA đối phó hiệu quả với những thách thức trước mắt. 

Con số 7,6% còn cho thấy một sự cạnh tranh gay gắt trong việc phân bổ ngân sách giữa các lực lượng an ninh, công an và quân đội ở TQ. Các ưu tiên đảm bảo an ninh đối nội cũng là nguyên nhân khiến ngân sách dành cho PLA không thể tăng quá cao như những năm trước đây. 

41% chi tiêu của chính phủ TQ, sau khi đã phân bổ cho chính quyền địa phương, là dành cho PLA và lực lượng công an TQ (PAP). PAP là lực lượng chuyên biệt được huấn luyện với mục tiêu kiểm soát bất ổn trong nước và đóng vai trò hỗ trợ trong nội địa một khi có chiến tranh. Nếu xét trên tổng ngân sách, số tiền chi cho PLA và PAP lên tới hơn 11%.  

Hai trong số ba ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của TQ là đảm bảo cho Tân Cương và Tây Tạng được ổn định, bên cạnh ngăn chặn Đài Loan độc lập. PAP sẽ là lực lượng đầu tiên được triển khai khi có bất ổn tại khu vực phía Tây.  

Ngoài các ưu tiên an ninh quốc gia đã kể trên, các bất ổn xã hội ngày càng gia tăng (các cuộc biểu tình đông người) cũng khiến cho vai trò của PAP trở nên ngày càng quan trọng. Theo báo cáo, các vụ việc tụ tập như vậy đã gia tăng từ con số 8.700 vụ năm 1993 lên tới 230.000 vụ năm 2010. PAP sẽ nhận được ngân sách ngày càng tăng, bất chấp khó khăn kinh tế. 

{keywords}
Mức tăng ngân sách quốc phòng của TQ khiến một số chuyên gia bất ngờ. Ảnh minh họa, nguồn: Xinhua

Các ưu tiên trong chi tiêu quốc phòng

Với chương trình hiện đại hoá quân đội như TQ đã công bố trước đây, con số gia tăng 7,6% không phải là nhiều, thậm chí có thể được xem như là không tăng (chỉ tăng thêm khoảng 5-6 tỷ trong tổng ngân sách 140 tỷ cho năm 2015). 

Tuy nhiên, 140 tỷ đô-la ngân sách quốc phòng cũng đã vượt trội hơn rất nhiều lần so với các cường quốc châu Á khác như Nhật Bản hay Ấn Độ.

Nhật Bản vừa gia tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục khoảng 30 tỷ USD cho  năm 2016. Ấn Độ trong năm tài khoá 2015/2016 đã gia tăng ngân sách quốc phòng 7,7% lên 40,4 tỷ USD. Australia, cho rằng sự trỗi dậy của TQ gây ra nhiều rủi ro đối với an ninh khu vực, cũng đã thông báo sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập kỷ tới, lên 42 tỷ USD. Tất cả đều chưa bằng một nửa so với chi tiêu quân sự của TQ. 

TQ hiện tại là cường quốc quân sự có chi tiêu quốc phòng đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, được dự đoán nhằm tập trung cho hai mục tiêu, thứ nhất là “bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải”; thứ hai đảm bảo quá trình tái cấu trúc hệ thống chỉ huy kiểm soát/hành chính diễn ra một cách suôn sẻ. 

Với trọng tâm thứ nhất, không quân, hải quân, tên lửa, tác chiến mạng và không gian là các lực lượng sẽ được đầu tư trọng điểm. Theo một số phân tích, các nỗ lực như trên nhằm xây dựng khả năng chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) giúp TQ dần dần ngăn chặn sự tiếp cận của Mỹ tới khu vực Tây Thái Bình Dương.  

Thứ nhất, TQ cần phải xây dựng được một số nhóm tác chiến tàu sân bay mạnh. Trọng tâm của công nghiệp quốc phòng TQ sẽ là các tàu sân bay nội địa đang trong quá trình triển khai. Đây sẽ là một quá trình dài và tiêu tốn.  

Thứ hai, PLA còn phải phát triển các thành phần hạm đội có liên quan, ví dụ tàu ngầm, tàu chiến, ra-đa, các loại tên lửa hạm hay máy bay sử dụng trên tàu sân bay. 

Thứ ba là phát triển các học thuyết quân sự phù hợp cho A2/AD, các học thuyết phù hợp với cách đánh hết sức mới mẻ của việc kiểm soát mặt biển. Đây chính là sự chuyển giao căn bản từ một cường quốc đất liền trở thành cường quốc đại dương. 

Ngoài ra, hoạt động của các lực lượng chấp pháp biển bán vũ trang hay dân quân biển cũng sẽ tiếp tục được duy trì và cần được đầu tư. Đó là chưa kể tới các dự án cải tạo/xây dựng đảo khổng lồ mà TQ đang theo đuổi phi pháp ở Trường Sa.  

Đảm bảo quá trình tái cấu trúc tổ chức chỉ huy/hành chính diễn ra suôn sẻ sẽ là trọng tâm thứ hai trong các nỗ lực hiện đại hoá. Quá trình này cần nhiều kinh phí để: 1, sắp xếp lại bộ máy sĩ quan, điều chỉnh khu vực tác chiến, cắt giảm biên chế và sát nhập/xây dựng cơ sở hạ tầng; 2, đưa ra các hỗ trợ cần thiết cho những quân nhân bị cắt giảm biên chế; 3, định hình lại cấu trúc chỉ huy và đồng bộ hoá cấu trúc hành chính từ trên xuống dưới. 

Cả hai quá trình hiện đại hoá các lực lượng ưu tiên và đảm bảo tái cấu trúc chỉ huy/hành chính sẽ diễn ra song song. Điều này đỏi hỏi PLA phải có cách thức phân bổ ngân sách ưu tiên hợp lý. Những khó khăn tác động tới quá trình hiện đại hoá, nếu có, sẽ chỉ thể hiện rõ ràng trong những năm tiếp theo. 

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của SCIS.