TS Lê Xuân Nghĩa nói: “Thị trường trái phiếu đổ bể, vỡ nợ sẽ là tử huyệt của nền kinh tế”. Còn TS Trương Văn Phước thậm chí đi xa hơn: "Phải xóa đi làm lại [thị trường trái phiếu doanh nghiệp]”. Những nhận định này làm TS Võ Trí Thành, người điều phối tọa đàm giật mình mà thanh minh rằng, thị trường trái phiếu của Việt Nam không cần phải xóa đi làm lại.

Phải hiểu như thế nào về những quan điểm trên từ những chuyên gia có tiếng nói ảnh hưởng đến thị trường cũng như chính sách tài chính, tiền tệ? Lâu nay cả 3 chuyên gia trên, mỗi người một mức độ hay cách thức, đều ủng hộ sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua các phát ngôn hay góp ý cụ thể vào việc xây dựng chính sách liên quan.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường quan trọng

Ông Lê Xuân Nghĩa lý giải cho nhận định “tử huyệt” của mình: có 84.000 tỷ đồng phải đáo hạn cuối năm nay và 140.000 tỷ đồng khác năm sau.

Việc trả nợ số trái phiếu này là thách thức rất lớn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã co lại đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay sau những vụ bắt giữ các chủ doanh nghiệp với cáo buộc lừa đảo trong phát hành, sử dụng trái phiếu doanh nghiệp hồi đầu năm. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã hứng chịu hậu quả đóng băng do siết chặt tín dụng và áp dụng nhiều chính sách tài chính, đất đai khác. Ngay tại diễn đàn Quốc hội cũng xuất hiện các ý kiến phê phán việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu và đề nghị siết chặt thị trường này.

TS Lê Xuân Nghĩa nói: Thị trường trái phiếu đổ bể, vỡ nợ sẽ là tử huyệt của nền kinh tế

Tóm tắt về cách ứng xử thô bạo như vậy với thị trường vốn, ông Nghĩa nói: “Hiện có nhiều quan điểm cho rằng, trái phiếu giống như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, rằng có nhiều trường hợp sai phạm và nhà đầu tư phải ráng chịu”. Ông bổ sung thêm: “Trái phiếu doanh nghiệp đang không được phát triển với tâm thế được xem như là máu của nền kinh tế thị trường”.

Ông Nghĩa cho rằng, thị trường trái phiếu hiện nay khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và nếu được phát triển lành mạnh sẽ “gánh” được gánh nợ vốn trung và dài hạn khoảng 5 triệu tỷ đồng của hệ thống ngân hàng thương mại. “Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường vô cùng quan trọng”, ông nói. 

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước giải thích: “Muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng”. Có lẽ, hàm ý của ông Phước là Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nơi ông từng làm lãnh đạo, đã không thực hiện vai trò của nó với thị trường.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một chủ trương hoàn toàn đúng để doanh nghiệp không còn lệ thuộc vào ngân hàng như là kênh huy động duy nhất. Song, với tốc độ tăng trưởng bùng nổ tới 56% trong năm 2021 trong khi nền kinh tế đông cứng theo đúng nghĩa đen do phong tỏa chống Covid-19, thị trường đã phản ánh sự bất thường theo nghĩa, doanh nghiệp phải có dòng tiền để đảm bảo thanh khoản. Thanh khoản mới là vấn đề thật sự của doanh nghiệp, mà nếu thiếu nguồn vốn này, không ít doanh nghiệp có lẽ đã phải đóng cửa, giải thể vì không thể nợ của nhau.

Thời gian tới đây, các doanh nghiệp phát hành sẽ có nhiều cách để xử lý công nợ đến hạn bằng việc bán đi tài sản hay phát hành thêm. Việc phát hành thêm để trả nợ đã từng được ghi nhận trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) những năm trước đây, xin nêu ra để tham khảo.

Sửa nghị định 153, không thể 'điều hành giật cục'

Hồi những năm 2011-2015, thị trường TPCP từng rơi vào hoàn cảnh rất rủi ro với lãi suất rất cao và kỳ hạn ngắn. Theo Bộ Tài chính, có những khoản vay chịu lãi suất lên đến 12-13%/năm và kỳ hạn vay vỏn vẹn có 3 năm. Tỷ lệ TPCP kỳ hạn ngắn 1-3 năm là rất cao, chiếm tới gần 63% năm  2011, 76% năm 2012, 77% năm 2013. Những khoản vay này gần như để đảo nợ chứ không thể đưa vào sử dụng, giải ngân, làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công, nợ chính phủ lúc bấy giờ.

Vì sao cần bỏ trần tín dụng?Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Phạm Xuân Hòe, trong khi nhu cầu vốn đang rất cần sau 2 năm dịch bệnh thì hạn mức tín dụng được kiểm soát quá chặt chẽ, đạp phanh vào nỗ lực phục hồi kinh tế.Xem ngay

Song, bằng nhiều kỹ thuật và giải pháp khôn khéo, TPCP đã dần được tháo ngòi nổ khi lãi suất được đưa về 3-4%/năm và kỳ hạn tăng lên thậm chí 20-30 năm. Ngòi nổ nợ công đã dần được tháo gỡ nhờ các gói giải pháp hoàn toàn không “giật cục”.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang sửa đổi nghị định 153 với nhiều quy định theo tinh thần “siết lại”, như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói. Cách ứng xử đó, có lẽ, chính là điều mà ông Nghĩa lo ngại khi cảnh báo “tử huyệt” của nền kinh tế. Việc sửa đổi nghị định là cần thiết, nhưng không thể “điều hành giật cục”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chỉ đạo.

Trong quá khứ từng có nghị quyết 11 năm 2011 với rất nhiều chỉ đạo “siết chặt”, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng, làm biết bao doanh nghiệp chết. Đang đi nhanh với tốc độ 100 km/h mà phanh gấp lại còn 10km/h thì chỉ có siêu xe mới không gây tai nạn.

Ông Lê Xuân Nghĩa, liên hệ về hoàn cảnh ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), khi người dân cầm băng rôn phản đối ngân hàng vì ngân hàng không cho họ vay tiếp, làm họ mất nhà, làm doanh nghiệp bất động sản không thể triển khai dự án… rồi nói: "Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chính phủ. Chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ mới có thể tạo ra lòng tin của người dân, của thị trường”. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai những người sửa nghị định 153.

Hạn mức tín dụng và những câu hỏi còn treoNgân hàng Nhà nước hôm qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng, và như thông lệ, không công khai chỉ tiêu này mà gửi riêng đến từng đơn vị.