- Vấn đề BOT Cai Lậy, cũng như gần 100 trạm BOT trên cả nước, phức tạp hơn một bài toán kinh tế rất nhiều.
Trạm BOT Cai Lậy tiếp tục là ‘điểm nóng’ ngay sau khi tái hoạt động trở lại. Mặc dù giảm mức thu phí xuống đáng kể, các tài xế tiếp tục sử dụng tiền lẻ để phản đối, khiến hoạt động của trạm này đình trệ và buộc phải ‘xả trạm’. Tranh cãi vẫn không có hồi kết khi chủ đầu tư kiên quyết không dời trạm, còn những bác tài tuyên bố sẽ phản ứng một cách hợp pháp đến cùng.
Liên quan đến cuộc “khủng hoảng tiền lẻ” tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều qua đã giao Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy, Tiền Giang để có đánh giá toàn diện.
Vấn đề của BOT Cai Lậy là gì?
Với nhà đầu tư và cơ quan chức năng, ở đây đại diện là Bộ Giao thông – Vận tải, dường như cho rằng nguyên do chính của cuộc phản kháng là lợi ích kinh tế. Theo cách hiểu đó, họ giảm mức phí BOT Cai Lậy đến 30%, và miễn phí dịch vụ cho người dân địa phương, với hi vọng đạt được đồng thuận từ các tài xế. Đây là tư duy logic theo lập luận kinh tế học kinh điển: đưa giá về điểm cân bằng để mức dịch vụ được chấp nhận.
Chỉ đáng tiếc, lập luận của họ đã sai. Các bác tài chấp nhận đánh đổi rất nhiều lợi ích kinh tế của mình, bao gồm chi phí xăng xe, thời gian chờ đợi, thời gian làm việc, nguy cơ bị công an mời làm việc,…để đi phản đối trạm BOT. Tính ra, chi phí cơ hội bỏ ra của các tài xế chắc chắn cao hơn nhiều lần so với việc im lặng trả phí BOT trong ấm ức. Suy cho cùng, ai cũng có một gia đình để chăm lo, không thể mãi tham gia những hoạt động ‘vác tù và hàng tổng’ ngoài đường, giữa chợ.
Trong những giao dịch dân sự thông thường, khi có mâu thuẫn và không xử lý được, hai bên sẽ kéo nhau ra toà chờ phán xử. Nhưng với giao dịch có sự tham gia của nhà nước và liên quan đến những thoả ước tập thể, như việc sử dụng dịch vụ công được xã hội hoá ở BOT Cai Lậy, câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Các tài xế không thể kiện chủ đầu tư bởi trên lý thuyết họ không có quyền đặt trạm thu phí và áp giá thu, trong khi việc kiện cơ quan chức năng ra quyết định cũng bất khả do chưa có cơ chế. Phản đối bằng tiển lẻ, vì thế, có lẽ là lựa chọn duy nhất của các tài xế.
Cuộc phản kháng Cai Lậy, suy cho cùng, không phải vì mục đích kinh tế. Nó xoay quanh hai từ ‘ấm ức’: tài xế phản đối bởi họ cho rằng việc thu phí BOT là không đúng, bất công, và không phản ánh chính xác dịch vụ mà họ sử dụng. Cảm giác bất công không thể mua được bằng tiền.
Nhà nước muốn giải quyết ‘khủng hoảng tiền lẻ’ thì phải thuyết phục được người dân rằng việc đặt trạm thu phí và mức phí là hợp lý. Hoặc nếu đã xác định là không hợp lý, phải có cơ chế xử lý nghiêm khác cơ quan liên quan, đồng thời phải di dời trạm, dù với chi phí rất đắt. Điều này rõ ràng không thể thực hiện được bởi Bộ Giao thông hay tỉnh Tiền Giang – hai cơ quan chịu trách nhiệm liên đới đến BOT Cai Lậy – mà cần phải có sự tham gia bởi cơ quan có chức năng cao hơn đến từ Quốc hội hoặc Thanh tra Chính phủ. Cho đến khi có kết luận của một cơ quan thanh tra độc lập, việc vận động người dân không phản đối bằng tiền lẻ là rất khó.
Xe cẩu vào cẩu xe tại BOT Cai Lậy nhưng không thành - Ảnh: Thanh Tú/ Tuổi trẻ |
Trong một cuộc họp của hội đồng chính phủ năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã đưa ra câu nói nổi tiếng về quản trị: ‘Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên’. Trong lịch sử phát triển của một quốc gia, khi kinh tế đạt đến một mức độ thịnh vượng nhất định, người dân sẽ quan tâm nhiều đến các giá trị xã hội như ‘công bằng’, ‘bình đẳng’, ‘bác ái’ hơn là những ích lợi kinh tế đơn thuần. Nước ta 50 năm sau phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ thành quả của công cuộc Đổi mới, đã bắt đầu bước sang giai đoạn đó.
Vấn đề BOT Cai Lậy, cũng như gần 100 trạm BOT trên cả nước, phức tạp hơn một bài toán kinh tế rất nhiều. Về bản chất, đó là chỉ dấu cho những vấn đề nảy sinh giữa mối quan hệ giữa nhà nước và người dân: những chủ trương lớn được thực hiện mà không có cơ chế tham vấn cần thiết, không có ‘sợi dây truyền tải’ để nhà nước – người dân – doanh nghiệp hiểu nhau hơn, không có cơ chế giải quyết mâu thuẫn nhà nước – người dân hiệu quả, và không có cơ chế đại diện để người dân phản đối chính sách mà không để lại những hệ quả tiêu cực cho những công dân khác.
Tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế là yếu tố hàng đầu để đảm bảo tính chính danh cho mọi thể chế. Tuy nhiên, kinh tế không thể tăng trưởng mãi, mà tất yếu sẽ phải giảm dần theo thời gian và quy mô. Đến lúc đó, một chính thể nếu muốn duy trì sự ổn định, sẽ đứng giữa hai lựa chọn: giảm mức độ thu ngân sách (để người dân có thu nhập cao hơn), và mở rộng sự tham gia của người dân vào hệ thống chính trị. Đó là hai chiếc van xả áp cực kì quan trọng để giảm thiểu rủi ro chính trị, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng.
Tranh cãi BOT Cai Lậy tưởng là chuyện nhỏ mà lại không nhỏ: nó là dấu hiệu cho thấy cần phải có những thay đổi lớn về quan điểm quản trị để giữ tính chính danh cho thể chế. Trong một xã hội phát triển, với những lựa chọn chính sách ngày càng phức tạp, mâu thuẫn giữa người dân và nhà nước trong một số lĩnh vực tất yếu sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Vì thế, giải quyết vấn đề trạm BOT Cai Lậy không phải chỉ là việc của chủ đầu tư, Bộ Giao thông, hay tỉnh Tiền Giang. Nó sẽ là chỉ dấu mang tính dẫn đường để giải quyết các mâu thuẫn sau, và là điểm nhấn quan trọng thể hiện tính tiến bộ của nhà nước kiến tạo và liêm chính như chính phủ đề ra. Các bác tài ở miền Tây, và có lẽ rất nhiều người dân trên cả nước, đang chờ đợi cuộc ‘khủng hoảng tiền lẻ’ ở Cai Lậy được chính phủ xử lý ra sao.
Nguyễn Khắc Giang
Dồn ép người tham gia giao thông không thể giải quyết tận gốc điểm nóng
Công khai hợp đồng BOT mà Bộ Giao thông Vận tải đã ký với chủ đầu tư tại Cai Lậy để có đủ thông tin xử lí những mâu thuẫn tại đây.
‘Tháo ngòi’ điểm nóng BOT Cai Lậy
Thẳng thắn nhìn nhận thì cái gốc của xung đột tại đây đã tồn tại từ nhiều tháng nay, và vẫn chưa bao giờ được tháo gỡ một cách rốt ráo.