Vào thời điểm tháng 8- 9/2021, Bình Dương là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn nhất cả nước, trong đó có những ngày đỉnh điểm tỉnh này ghi nhận hàng ngàn ca mắc, thậm chí nhiều hơn cả số ca mắc của TP.HCM.

Mô hình trạm y tế lưu động đầu tiên cả nước

Để ứng phó với tình hình trên, ngành y tế Bình Dương đã có chủ trương thành lập các trạm y tế lưu động với nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là mô hình trạm y tế lưu động đầu tiên của cả nước.

Trạm y tế lưu động phòng chống dịch Covid-19 ở Bình Dương sẽ được giải thể - Ảnh: X.A

Từ chủ trương thành lập trạm y tế lưu động tại các xã, phường trên toàn tỉnh, ngành y tế tỉnh Bình Dương cũng quyết định thành lập hàng loạt trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp để tham gia công tác phòng chống dịch cho đối tượng là công nhân lao động trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình sản xuất, không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 162 trạm y tế lưu động ở các huyện, thị, TP, khu, cụm công nghiệp. Trong đó có 99 trạm tại các xã, phường, thị trấn, 43 trạm trong KCN và 20 tổ lưu động của lực lượng Quân y. 

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trạm y tế lưu động đã hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho hàng ngàn F0 điều trị tại nhà, cấp phát thuốc, sơ cứu, chuyển viện các trường hợp nặng, tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện test nhanh để phát hiện F0.

Khi trở lại trạng thái bình thường mới, ngành y tế khuyến khích trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp hình thành theo phương thức xã hội hóa, một cơ sở y tế tư nhân tự chịu trách nhiệm về thành lập và tổ chức hoạt động. Nhân lực mỗi trạm do một số bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa phụ trách chính với 5 đến 7 thành viên khác tham gia.

Tất cả cán bộ trạm đều được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 tại doanh nghiệp. Chế độ làm việc theo ca, đảm bảo ca trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động trong khu, cụm công nghiệp.

Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh này, trong suốt thời gian hoạt động, các trạm y tế lưu động đã phát huy được vai trò quan trọng của mình, hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch một cách hiệu quả.

Giải thể sau khi hoàn thành “sứ mệnh”

Trao đổi với VietNamNet, ông Huỳnh Minh Chín – Phó giám đốc Sở y tế Bình Dương cho biết, sau khi đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa phương cho thấy số ca mắc Covid-19 đã giảm rất rõ rệt, không có ca mắc nào tử vong trong những ngày qua, ngành y tế dự kiến sẽ giải thể các trạm y tế này hoặc chuyển đổi công năng từ ngày 30/6 tới.

“Vừa qua chúng tôi đã họp bàn với các địa phương về việc giải thể các trạm y tế lưu động, đa số các địa phương thống nhất về chủ trương này. Tới đây Sở y tế sẽ có tờ trình gửi UBND tỉnh để xin ý kiến giải thể trạm” – Ông Chín cho hay.

Mô hình trạm y tế lưu động đầu tiên của cả nước ở Bình Dương dự kiến sẽ giải thể cuối tháng 6 - Ảnh: H.V

Trước khi xin ý kiến giải thể, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập, chuyển đổi mô hình trạm y tế lưu động thành trạm y tế cố định để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cho phù hợp trong tình hình mới.

Cụ thể, Sở Y tế đã đề xuất 3 phương án y tế cơ sở. Thứ nhất là tăng biên chế cho trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thứ hai là các xã, phường có quy mô dân số lớn (trên 50.000 dân), thành lập các cơ sở của trạm y tế để tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ. Thứ 3 là thành lập thêm trạm y tế xã, phường, thị trấn trên cơ sở đã có các trạm y tế cố định.

Về các vấn đề sau khi giải thể trạm y tế lưu động, ông Chín cho biết đã có phương án giải quyết về nhân lực và cơ sở vật chất.

Theo đó, đối với trang thiết bị, vật tư y tế sẽ được trả lại cho các trung tâm y tế huyện, thị, TP do trước đây các trung tâm này cho trạm mượn để sử dụng.

Về nhân lực, hiện tại các trạm y tế lưu động có hai lực lượng lao động là nhân viên y tế và lao động phổ thông. Sau khi giải thể, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện tuyển dụng vào các trung tâm y tế địa phương để tiếp tục phục vụ trong ngành y tế. Với lao động phổ thông (chủ yếu là dân quân, đoàn viên, hội viên chữ thập đỏ,…) sau khi hoàn thành việc hỗ trợ thì những đối tượng này sẽ trở lại làm công việc trước khi tham gia trạm y tế.

Theo thống kê của ngành y tế Bình Dương, những ngày qua chỉ ghi nhận mỗi ngày dưới 15 ca F0 nhập viện tại các cơ sở điều trị, không có trường hợp tử vong do Covid-19.

Xuân An