Người suy tư (The Thinker) của Auguste Rodin (1840-1917) là một trong những tác phẩm điêu khắc được biết tới nhiều nhất, biểu tượng cho tư duy sâu sắc. Theo thời gian, bức tượng miêu tả một người đàn ông đang trầm ngâm ngày càng nổi tiếng, xuất hiện trong phim Đêm kinh hoàng 2 hay gợi cảm hứng cho bức The Drinker của nghệ sĩ graffiti Banksy.
Những năm 1880, Rodin dự kiến sáng tác bức tượng để trang trí khung cửa mang tên Cổng Địa ngục cho một bảo tàng nghệ thuật mới ở Paris (Pháp). Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng công trình này không được thực hiện nên Người suy tư tồn tại như một tác phẩm độc lập.
Người suy tư là ai?
Năm 1888, Rodin hoàn thành bức tượng bằng đồng cao 72cm sau đó, tạo phiên bản lớn hơn cao 181cm vào năm 1904. Đây là tác phẩm đầu tiên của nghệ sĩ người Pháp ở không gian công cộng, hiện trưng bày tại Bảo tàng Rodin (Paris).
Ban đầu, ông đặt tên bức tượng là Nhà thơ (The Poet). Một số nhà phê bình cho rằng Rodin muốn vinh danh nhà thơ Dante Alighieri, người có tác phẩm truyền cảm hứng cho ông.
Nhưng các nhà phê bình khác bác bỏ quan điểm đó bởi vóc dáng cơ bắp của nhân vật không tương ứng với vẻ ngoài yếu ớt của Dante. Theo The Collector, có lẽ Rodin coi Người suy tư là nhân vật ẩn dụ cho thơ ca và tư tưởng sâu sắc hơn là chân dung tả thực nhà thơ người Ý.
Một số người lại suy đoán tác phẩm chính là hình ảnh của Rodin tự giới thiệu mình là một nhà sáng tạo. Ông đưa ra quan điểm về vai trò của người nghệ sĩ khi đặt bức tượng vào trung tâm Cổng Địa ngục - thể hiện nỗi thống khổ của con người.
Tư thế của nhân vật nam khỏa thân thoạt nhìn có vẻ thoải mái và trầm ngâm nhưng nếu nhìn kỹ, cơ bắp của anh ta căng ra, ngón chân co quắp, tĩnh mạch nổi lên, cơ vai và cổ nhô về phía trước. Nhân vật này trông giống như một vận động viên, gợi tới sức mạnh thể chất nhưng lại nhíu mày bộc lộ đang tư duy điều gì đó. Thực tế, người mẫu cho tác phẩm điêu khắc này là võ sĩ người Pháp Jean Baud.
Tạo hình gây sốc
Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã góp phần vào sự nổi tiếng của Người suy tư. Đầu tiên là phong cách nghệ thuật đột phá. Rodin lần đầu tiên triển lãm bức tượng vào những năm 1880 khi phong cách điêu khắc thịnh hành chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa hàn lâm với các bức tượng mịn màng, bóng bẩy mô tả các vị thần.
Trong khi đó, Người suy tư có cơ bắp cuồn cuộn và thô ráp, giống như các tác phẩm điêu khắc khác của Rodin. Ông quan tâm nhiều đến việc thể hiện sức mạnh thể chất và cảm xúc con người hơn là tạo ra một bức tượng lý tưởng mô phỏng theo các tác phẩm truyền thống.
Nhiều nhà phê bình không thích bức tượng và phàn nàn rằng các nhân vật của Rodin trông như chưa hoàn thiện. Sau này, Người suy tư được nhìn nhận đã đánh dấu sự bắt đầu của điêu khắc hiện đại.
Trong suốt cuộc đời mình, Rodin đã sáng tạo một số phiên bản khác của Người suy tư. Ngày nay, hơn 20 bản đúc đang được lưu giữ tại các bảo tàng trên toàn thế giới, ngoài ra còn một số phiên bản thuộc sở hữu tư nhân với nhiều chất liệu, kích cỡ.
Năm 1970, một quả bom gần như đã phá hủy tác phẩm Người suy tư tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland (Mỹ). Vụ nổ đánh bật bức tượng khỏi bệ đỡ, làm hỏng đế và chân tượng nhưng may mắn phần chính vẫn toàn vẹn.