Chiểu nguyên tắc sở hữu theo pháp luật, câu trả lời sẽ rất đơn giản: Nhật Bản là chủ sở hữu Senkaku. Vì chính quốc gia này đã tìm thấy quần đảo này, một terra nullius – tức vùng đất vô chủ – vào năm 1884.

Trong năm vừa qua, quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), một nhóm năm hòn đảo nhỏ không người ở giữa biển Hoa Đông, đã cho thấy chúng có khả năng làm rung chuyển mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai cường quốc lớn nhất châu Á. Chúng thậm chí đã gợi lên bóng ma của một cuộc xung đột quân sự, điều mà Mỹ lo ngại có thể bị kéo vào. Các nguy cơ là rất cao. Vậy, ai mới là chủ sở hữu thực sự của quần đảo Senkaku?

Nếu xét theo nguyên tắc sở hữu theo pháp luật, câu trả lời sẽ rất đơn giản: Nhật Bản. Quốc gia này tuyên bố đã “phát hiện” ra quần đảo này, một terra nullius – tức vùng đất vô chủ – vào năm 1884. Đầu năm 1895, Nhật Bản sát nhập chúng vào lãnh thổ của mình ngay sau khi đánh bại một Trung Quốc suy yếu trong một cuộc chiến ngắn ngủi và chiếm đóng Đài Loan, hòn đảo nằm ngay phía Nam Nhật Bản, làm chiến lợi phẩm. Một người tên là Tatsushiro Koga đã được cấp phép để phát triển quần đảo này. Ông đã thành lập một cơ sở chế biến cá ngừ, 200 nhân công của cơ sở này cũng đồng thời giết loài chim hải âu đuôi ngắn một thời đông đúc tại đây để lấy lông. Những nhân công cuối cùng của gia đình Koga đã rời đi trong Thế chiến II.

Sau thất bại của Nhật Bản vào năm 1945, quyền kiểm soát [quần đảo] rơi vào tay người Mỹ, và quốc gia này sử dụng quần đảo nhằm thử nghiệm việc ném bom. Năm 1972, vào giai đoạn cuối thời kỳ chiếm đóng của Mỹ, chính phủ Nhật Bản đã giành lại quyền kiểm soát đối với quần đảo Senkaku. 

{keywords}
Một góc quần đảo Senkaku. Ảnh AP.

Tuy nhiên, cho đến lúc đó, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đã được xác định nằm dưới đáy biển xung quanh quần đảo. Trung Quốc, gọi đây là quần đảo Điếu Ngư, khẳng định yêu sách của mình, tương tự là Đài Loan, lãnh thổ nằm gần nhất với quần đảo này (và cũng bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình). Yêu sách của Trung Quốc khá mơ hồ, và được dựa trên những bằng chứng như một bản đồ Trung Quốc từ năm 1403 ghi lại sự tồn tại của quần đảo này. Tất cả [bằng chứng] đều nói về một thế giới trước đó khi Trung Quốc nằm ở trung tâm của một hệ thống các nước chư hầu tại khu vực Đông Á – một trật tự đã bị phá vỡ bởi sự nổi lên của chế độ quân phiệt Nhật Bản cuối thế kỷ thứ 19.

Trái với tuyên bố của Trung Quốc hiện đại, điều mà lịch sử cho bạn biết không phải là Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát Điếu Ngư, bởi vì nó chưa từng bao giờ là như vậy. Thay vào đó, quần đảo được người Trung Quốc biết đến vì chúng đóng vai trò như là điểm định vị hàng hải cho các đoàn triều cống đi lại giữa cảng Quanzhou (Tuyền Châu) của Trung Quốc, và Naha, thủ phủ của đảo quốc Ryukyu (Lưu Cầu), chư hầu trung thành nhất của Trung Quốc. Năm 1879, Nhật Bản đã chấm dứt sự tồn tại của vương quốc cổ xưa này. Ngày nay, Naha là thành phố chính trên quần đảo Okinawa của Nhật Bản. Một số nhà dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa yêu cầu Nhật không chỉ trả lại quần đảo Senkaku, mà còn cả Okinawa nữa.

Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc và Nhật Bản đã thống nhất bỏ tranh chấp này qua một bên. Nhưng thái độ của Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn, đặc biệt là kể từ tháng 9 năm 2012, khi chính phủ Nhật Bản mua từ một chủ sở hữu tư nhân ba trong số các đảo mà chính phủ Nhật Bản chưa sở hữu. Điều này là nhằm ngăn chúng rơi vào tay của một nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan, Shintaro Ishihara, lúc đó là thị trưởng Tokyo. Nhưng Trung Quốc nhìn nhận sự kiện này như là một sự khiêu khích và đã gửi tàu và máy bay tới để thách thức quyền kiểm soát quần đảo Senkaku của Nhật Bản.

Tuyên bố của Trung Quốc vào ngày 23 thành lập một “vùng nhận dạng phòng không” trên biển Hoa Đông, trong đó bao trùm quần đảo Senkaku, là một bằng chứng nữa cho thấy nỗ lực của quốc gia này nhằm thay đổi nguyên trạng. Thay vì trữ lượng dầu và khí đốt được cho là có tại đây, hiện tại cảm xúc là thứ đang dẫn dắt các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là các ý niệm về danh dự quốc gia và một khát khao giành lại vị trí trung tâm ở khu vực Đông Á mà nó đã có hàng thế kỷ trước. Tranh chấp này là biểu hiện thu nhỏ của khát khao đó, điều khiến nó trở thành một mối nguy hiểm tiềm tàng.

Theo The Economist

* Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên Cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)

* Tuần Việt Nam đặt lại tiêu đề.

 * Sunnylands và thế trận cờ vây của TQ trên Biển Đông
* Gạc Ma 1988: Trang sử bi tráng
* Không có "gậy thần", nhưng Việt Nam có Cam Ranh