Đại học Bắc Kinh vừa công bố kết quả khảo sát Bỏ chấm điểm - Cải cách hệ thống đánh giá, động thái này mở ra cuộc tranh luận sôi nổi những ngày qua. Áp lực điểm số, sinh viên học cường độ cao, chạy đua với từng con số. Để thay đổi thực trạng, nhiều đại học quyết định bỏ chấm điểm theo khung GPA.

  GPA = tổng (số tín chỉ/học phần x điểm của học phần tương ứng) ÷ tổng số tín chỉ.

GPA đóng vai trò quan trọng trong việc xét học bổng, tuyển sinh sau đại học,... nên trở thành 'huyết mạch' của nhiều sinh viên. Một số đại học tiết lộ phương pháp tuyển thẳng học viên sau đại học là GPA xếp loại Xuất sắc. Hay khi tìm việc, điểm số cũng là 'tấm vé' để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực sinh viên. 

Để đạt điểm cao, sinh viên xây dựng cả chiến lược ứng phó các môn học. Nhiều sinh viên hy sinh sở thích, chuyên ngành để chọn những môn dễ học, điểm cao hay sử dụng các thủ thuật để đương đầu với thi cuối kỳ.

Hầu hết sinh viên hiện nay đều sống trong thế giới được 'cai trị' bởi điểm số thành tích. Việc bị cuốn vào cuộc chiến giành giật từ 0,01 khiến sinh viên vừa mất đi niềm vui và ý nghĩa học đại học, vừa khó trau dồi kiến thức và rèn luyện năng lực bản thân.

Thay vì chọn hiểu bài hay tìm cách để nắm chắc kiến thức hoặc suy nghĩ học xong môn này sẽ được gì. Sinh viên hiện nay vì áp lực điểm số, nên chỉ quan tâm giảng viên cho điểm cao hay thấp.

Loạt đại học top đầu châu Á bỏ chấm điểm

Để phá vỡ tình thế tiến thoái lưỡng nan coi điểm quan trọng nhất, một số đại học top đầu đã bỏ chấm điểm và thực hiện cải cách đánh giá, xếp loại. Hệ thống điểm chữ đề cập đến việc sử dụng chữ cái A, B, C, D và F, để biểu thị mức độ thành tích của sinh viên. 

Ưu điểm của hệ thống này, làm giảm bớt gánh nặng học tập cho sinh viên. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian và khuyến khích sinh viên nắm vững kiến thức và kỹ năng thực hành thay vì theo đuổi điểm số.

Năm 2015, Đại học Thanh Hoa đề xuất cải cách toàn bộ hệ thống đánh giá bằng điểm. Theo đó, sau khi kết thúc học phần, sinh viên sẽ được xếp loại theo A, B, C, D và F, thay cho điểm phần trăm như trước. Tháng 5/2019, trường đưa ra kế hoạch cải cách phương pháp đánh giá bằng điểm, không quy đổi về khung GPA. Kế hoạch nêu rõ, trao quyền đánh giá trình độ của sinh viên cho giảng viên đứng lớp. Cải cách này nhằm mục đích trao cho giáo viên toàn quyền đánh giá sinh viên.

Phòng Đào tạo của Đại học Thanh Hoa cho biết, tôn trọng phương pháp đánh giá của giáo viên. Theo cách này, nhà trường không đặt ra các hệ số tỷ lệ tương ứng theo cách chấm điểm truyền thống. Từ năm 2019 đến nay, hệ thống điểm phần trăm quy đổi theo thang GPA không được Đại học Thanh Hoa áp dụng. 

Đại diện nhà trường cho biết, việc đánh giá dựa trên điểm số ở mức độ xuất sắc chỉ mang tính hình thức phục vụ sinh viên tìm việc. Với những sinh viên cần sử dụng kết quả tốt nghiệp để xét học bổng thạc sĩ ở nước ngoài, nhà trường sẽ có văn bản giải trình về cách đánh giá.

Ngoài Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh cũng áp dụng phương pháp đánh giá điểm chữ, từ năm 2020 đến nay. Kế hoạch nêu rõ, nhà trường không dùng khung quy đổi sang điểm GPA, toàn bộ  sinh viên sẽ được đánh giá trình độ theo 5 cấp: A, B, C, D và F.

Đại học Sư phạm Hoa Đông Trung Quốc và Đại học Khoa học & Công nghệ Thượng Hải cũng áp dụng phương pháp đánh giá xếp loại này. Bên cạnh đó, các trường vẫn giữ khung điểm số để phục vụ cho những sinh viên dùng xét tuyển sau đại học trong và ngoài nước. Các đại học nhấn mạnh, điểm phần trăm không có giá trị trong trường kể từ khi áp dụng khung đánh giá bằng chữ. 

Mục đích bỏ chấm điểm

Bỏ chấm điểm chuyển sang hệ thống đánh giá bằng chữ, một số người phản đối cho rằng: "Phương pháp đánh giá năng lực của sinh viên công bằng nhất là thông qua điểm số". Việc các trường bỏ chấm điểm nhằm giúp sinh viên có thời gian tập trung phát huy thế mạnh các lĩnh vực. 

Trước khi triển khai hệ thống đánh giá điểm chữ, kết quả 3 cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ sinh viên ủng hộ bỏ hệ thống chấm điểm đạt 88%. Không chỉ nhà trường, sinh viên cũng mong muốn được đánh giá phù hợp để giải tỏa bớt căng thẳng.

Bỏ chấm điểm có thể không thay đổi hoàn toàn tình trạng áp lực thành tích của sinh viên, nhưng sẽ mở ra nhiều phương pháp mới đánh giá trình độ người học trong tương lai. 

Việc áp dụng hệ thống đánh giá hợp lý, các trường có thể cung cấp cho sinh viên không gian học tập phát triển hơn. Khuyến khích sinh viên tích cực khám phá sở thích bản thân chuẩn bị cho quá trình tìm việc.

Nhiều sinh viên đã đi làm cho biết, nhà tuyển dụng không quan tâm điểm cao hay thấp, chỉ để ý đến kinh nghiệm thực tập, kết quả nghiên cứu khoa học hay trí tuệ cảm xúc và khả năng giải quyết tình huống của ứng viên.

Thực tế, bất kỳ hệ thống đánh giá nào cũng chỉ phản ánh khía cạnh nhất định, điều quan trọng sinh viên cần tự nhận thức và phát triển bản thân cùng các kỹ năng khác. Thành tích hay điểm số chỉ là sản phẩm của năng lực học tập và trình độ kiến thức, còn tiềm năng mỗi người được phát hiện thông qua việc tự kiểm tra.

Theo Sina