CÁCH LÀM CŨ, PHẢI 100 NĂM MỚI XONG 10 TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Theo Sở GTVT Hà Nội, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có gần 8 triệu phương tiện giao thông. Cụ thể, có hơn 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu mô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành khác tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm.

nhon ga hn 3.jpeg
Toàn cảnh nhà ga của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

“Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn chới với 'đuổi theo' tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân. Đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.

Đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.

Đặc biệt, việc này gây thiệt hại cho Hà Nội khoảng 23.300 - 27.900 tỷ đồng, tương đương 1-1,2 tỷ USD/năm. Ùn tắc còn gây ra mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, hơn 10 năm qua, TP Hà Nội luôn xác định đường sắt đô thị là ‘xương sống’ của hạ tầng vận tải hành khách công cộng.

nhon ga hn 1.jpeg
10 đoàn tàu đã được đưa về Việt Nam từ năm 2021, nhưng đến nay tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa khai thác thương mại. Ảnh: Hoàng Hà

Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ đô.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn Thủ đô mới chỉ hoàn thành được 13km đường sắt đô thị, thuộc tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, các dự án đường sắt đô thị mới chỉ đạt 6,5% so với quy hoạch.

nhon gan hn 4.jpeg
Hà Nội dự kiến tháng 6/2024, sẽ đưa đoạn trên cao của tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào chở khách. Ảnh: Hoàng Hà

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, tính cả quá trình đầu tư, hai tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông mất từ 10-15 năm mới được đưa vào khai thác thương mại.

“Giả thiết có 10 tuyến và làm theo phương pháp từng tuyến một thì chúng ta phải mất khoảng 100 năm may ra mới hoàn thành, quá bất cập”, ông Dương Đức Tuấn lo ngại.

CẦN CƠ CHẾ RIÊNG LÀM ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Theo các chuyên gia giao thông, một trong những khó khăn lớn nhất đối với đường sắt đô thị là thiếu vốn. Do vậy, để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng, yếu tố cốt lõi vẫn phải có chính sách đột phá để Hà Nội huy động 40 tỷ USD nguồn vốn đầu tư.

cat linh ha dong.jpeg
Nhiều người Hà Nội đã lựa chọn đường sắt để đi lại. Ảnh: Phạm Hải

Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) chính là giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả làm đường sắt đô thị. Trong đó, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Lãnh đạo Sở GTVT đã đề xuất với UBND TP kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến phát triển mô hình TOD trong các Luật Đất đai, Quy hoạch, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, PPP…

Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, định hướng đến 2035, Hà Nội có 200km đường sắt đô thị là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ bất khả thi nếu thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

cat linh ha dong 22 658.jpeg
Sau nhiều năm vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có lãi. Ảnh: Phạm Hải

Theo ông Đông, mục tiêu trên chỉ khả thi khi Hà Nội được ‘may đo’ riêng cơ chế pháp lý với tư duy mới, thực sự đột phá; với các quy định vượt trội về quy hoạch, đất đai, tài chính…; cũng như tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị TOD.

Ông Đông cũng đề nghị Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép lựa chọn một dự án đường sắt đô thị TOD có chiều dài khoảng 10km để triển khai thử nghiệm theo cơ chế vượt trội cao nhất.

Khi đã chứng minh tính hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm từ những chính sách vượt trội đó thì hoàn thiện cơ chế để áp dụng cho các tuyến đường sắt còn lại của thành phố.

nhon ga hn tod.jpeg
Cùng với cơ chế đặc thù, việc phát triển đường sắt kết hợp với xây dựng khu đô thị (TOD) là xu hướng được nhiều chuyên gia đề xuất. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội cần cơ chế đột phá hạ tầng, sẵn sàng vay 30-40 tỷ USD làm đề án riêng để phát triển đường sắt đô thị trong 10-15 năm.

Ông Dũng khẳng định, nếu không làm vậy, hàng trăm năm nữa cũng không làm xong mạng lưới đường sắt đô thị, không giải quyết được vấn đề phát triển.

Còn làm được điều này sẽ tạo động lực mới, kích thích kinh tế thành phố phát triển rất mạnh. Khi đó tăng trưởng kinh tế thành phố những năm tới không phải 8,5-9,5% theo mục tiêu quy hoạch hiện nay mà có thể đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài.