Chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

“Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.

Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực, năng lực cạnh tranh được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt. Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn một số vấn đề như chất lượng thu NSNN còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô. So với dự toán, thu từ dầu thô năm 2021 vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 vượt 49,8 nghìn tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất năm 2021 và năm 2022 đều vượt khoảng 74 nghìn tỷ đồng.

nhon ga ha noi.jpeg
TP Hà Nội đang hoàn thiện đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cả về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào; việc thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện vay vốn.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn. Cụ thể, kết nối hạ tầng tại Hà Nội, TP.HCM còn nhiều bất cập, dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng, thiếu nước cục bộ và các gánh nặng hạ tầng xã hội khác.

Ngoài ra, quá trình triển khai, chuẩn bị đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm. Bên cạnh đoạn tuyến Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào sử dụng, tiến độ triển khai, dự kiến thời gian đưa vào sử dụng các tuyến còn lại cũng cần được báo cáo.

Ủy ban Kinh tế liệt kê việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM còn "rất chậm" như: Nhổn - ga Hà Nội (dài 12,5 km), Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (11,5 km), ga Hà Nội - Hoàng Mai (8,5 km), Văn Cao - Hòa Lạc (38,4 km), Bến Thành - Suối Tiên (19,7km), Bến Thành - Tham Lương (11,2 km).

Trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại.

Hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.