LTS: Những năm qua, Chính phủ kiến tạo với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, đổi mới phương thức điều hành, kiên quyết loại bỏ các rào cản cản trở kinh doanh đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động và do vậy, đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ kiến tạo đã vượt qua sự bất ổn của kinh tế vĩ mô trong nước, sự biến động khó lường của môi trường quốc tế, tạo nên tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đúng như nhận xét của Ngân hàng Thế giới rằng “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam”.

Tuy vậy, những hạn chế về cán bộ, chính sách cán bộ và bộ máy hành chính khiến cho sự vận hành của Chính phủ kiến tạo chưa được thông suốt và do đó, "mặt trời tỏa nắng nhưng không đồng đều". Những vấn đề nổi cộm đã được Thủ tướng nhiều lần nhắc đến như công chức "sáng cắp ô đi tối cắp về", "nói không đi đôi với làm", "văn hóa không nhúc nhích"…

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị TƯ 7 khoá 12 ngày 7/5/2018 yêu cầu rằng cần trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào để có giải pháp lớn, có tính đột phá.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2030, nước phát triển vào năm 2045 như đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra, chúng ta phải cải cách đột phá, trọng dụng nhân tài để hội nhập thành công, tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển.

Thanh lọc cán bộ tham nhũng, yếu kém

Đất nước ta không thể cất cánh với một bộ máy nhà nước quá cồng kềnh được vận hành bởi một đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh, có tới 1/3 là cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhiều lãnh đạo, quản lý nhưng năng lực lãnh đạo, quản lý yếu kém.

Tính đến ngày 1/7/2017, nhân lực khu vực công cả nước là hơn 3,8 triệu người (không tính doanh nghiệp nhà nước, quân đội, công an). Trong đó, nhân lực khối cơ quan hành chính, sự nghiệp xấp xỉ 1 triệu người. Nhân lực khối đơn vị sự nghiệp công lập là 2,5 triệu người. Nhân lực khối các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội 237.000 người. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý chiếm trên 20%, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng; thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.

Nguy hại hơn, chủ nghĩa thân hữu, vấn nạn con ông cháu cha, lợi ích nhóm, bệnh dịch tham nhũng đang ngày đêm tàn phá và hủy hoại năng lực, uy tín của bộ máy công quyền, ăn mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

{keywords}
Cần Thơ thi tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Tư pháp, tháng 10/2018. Ảnh: SGGP

Chính vì vậy, chúng ta cần tiến hành cuộc tổng “sát hạch” để sàng lọc, loại bỏ bộ phận không nhỏ “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” để thay thế bằng nhân sự mới có tài đức làm tươi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước. Tổng rà soát những đối tượng hưởng ngân sách, mạnh tay gạt bỏ những đối tượng không phù hợp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Nhất là, cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Trước hết, áp dụng Quy trình đánh giá định lượng 4 bước để phân loại, sàng lọc cán bộ lãnh đạo, quản lý hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,6 trở lên tới cấp bộ trưởng. Theo trình tự, bộ trưởng ký bản thỏa thuận kết quả với thứ trưởng, thứ trưởng ký với tổng cục trưởng (đối với bộ có tổng cục), tổng cục trưởng ký với cục trưởng, cục trưởng ký với trưởng phòng (bảng dưới).

{keywords}
 

Ở bước 1, người được đánh giá lập kế hoạch chiến lược gắn với nhiệm vụ của đơn vị, xác định các mục tiêu cụ thể, lập kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu (xác định kết quả đầu ra, kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu và tiến độ thời gian…).

Ở bước 2, người đánh giá và người được đánh giá ký bản thỏa thuận về kết quả và chỉ tiêu của nhiệm vụ cá nhân và kết quả và chỉ tiêu của nhiệm vụ đơn vị phụ trách, thống nhất về các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo mục tiêu, kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành, các mục tiêu cần được lượng hóa, cụ thể hóa với các điều khoản cụ thể có thể đo lường được…

Ở bước 3, người đánh giá thực hiện đánh giá giữa kỳ, kiểm tra tiến độ, kết quả đạt được so với kế hoạch và mục tiêu đề ra và thảo luận về kế hoạch tăng cường để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã được thiết lập.

Ở bước 4, đánh giá mức độ đạt mục tiêu và ra quyết định đánh giá. Người đánh giá phải thực sự công tâm, khách quan, căn cứ vào các mục tiêu đã được thiết lập để đánh giá, cần ghi chép, lập hồ sơ đánh giá kỹ lưỡng.

Người đánh giá phải có ít nhất 6 tháng tiếp xúc, làm việc cùng với người được đánh giá và phải là người giám sát trực tiếp, phải có chức vụ cao hơn người được đánh giá một bậc.

Như vậy, người đánh giá không chỉ biết rõ công việc mà còn biết được năng lực, sở trường, sở đoản của người được đánh giá. Người được đánh giá biết được những điểm yếu cần khắc phục, những điểm mạnh cần phát huy. Với tiêu chí định lượng rõ ràng, cụ thể, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã được thỏa thuận thống nhất từ đầu, những người không đáp ứng được yêu cầu sẽ phải tự xin rút khỏi vị trí trong danh dự.

Hàng năm, căn cứ mức độ hoàn thành công việc mà có chế độ lương thưởng và thăng tiến tương ứng. Cán bộ nào đạt kết quả càng cao thì được hưởng mức lương thưởng và chức tước càng cao, cán bộ nào liên tiếp 2 năm không hoàn thành mức chỉ tiêu tối thiểu thì giảm lương và cho thôi chức vụ.

Những trường hợp đánh giá để xem xét đề bạt, bổ nhiệm và đánh giá sàng lọc cho thôi chức vụ, thôi việc thì hồ sơ cần phải nộp cho Bộ Nội vụ để thẩm định, tránh sai sót, đảm bảo sự công bằng, khách quan.

Năng lực đến đâu được thăng quan tiến chức đến đó

Người lãnh đạo là đầu tàu định hướng cho đất nước phát triển và do vậy, chức vụ lãnh đạo phải được trao cho người tài giỏi nhất, tuyệt đối không thể tùy ý bố trí người nhà hoặc kẻ thân hữu không có năng lực.

{keywords}
Tỉnh Bến Tre trao quyết định bổ nhiệm ông Bùi Minh Nhựt - Phó giám đốc Sở GDĐT từ thi tuyển. Ảnh: VGP

Trước hết, trao chức vụ lãnh đạo cho những cán bộ tài giỏi hiện có để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, những nhân tài người Việt Nam khắp nơi trên thế giới thấy và có sự tin tưởng sâu sắc rằng sự thăng tiến được căn cứ vào tài năng, sự nỗ lực và cống hiến của cá nhân bất kể gia thế, thâm niên hay tuổi tác...

Năng lực đến đâu, phấn đấu thế nào, cống hiến ra sao sẽ được thăng quan tiến chức đến đó. Chức vụ lãnh đạo chỉ trao cho người xuất sắc nhất bất kể có phải là con ông cháu cha hay không. Như vậy, cơ hội thăng tiến bình đẳng dành cho tất cả mọi người, ai cũng có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng để thành công nhưng chỉ những người xuất sắc nhất được lựa chọn, được tạo điều kiện tốt nhất để đạt thành công. Tài năng, sự nỗ lực và đóng góp của cá nhân được hưởng thành quả xứng đáng.

Đánh giá định lượng để xếp hạng tổ chức

Xây dựng một hệ thống mạnh trong đánh giá, xếp hạng tổ chức và công khai kết quả đánh giá. Trước hết, hàng năm, tiến hành đánh giá định lượng đối với các bộ ngành và 64 UBND tỉnh thành.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hiền nhận quyết định giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh

Người đứng đầu các bộ ngành và 64 UBND tỉnh thành ký bản thỏa thuận kết quả hoạt động của cơ quan với Thủ tướng. Thống nhất về những mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo mục tiêu, kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành.

Thành lập Hội đồng đánh giá gồm các đại biểu Quốc hội có uy tín cao đã được xã hội thừa nhận, các nhà khoa học, chuyên gia uy tín và các thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng (tổng cộng khoảng 180 người). Hội đồng do Thủ tướng ra quyết định thành lập. Khi cần thiết, Hội đồng có thể tham vấn hoặc thuê các tổ chức đánh giá, xếp hạng quốc tế uy tín có đánh giá độc lập.

Kết quả đánh giá được sử dụng làm căn cứ để phân bổ ngân sách và để cất nhắc hay cho thôi chức vụ đối với lãnh đạo các bộ ngành và 64 UBND tỉnh thành. Những bộ ngành, tỉnh thành đạt kết quả xuất sắc, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được cấp thêm kinh phí tương ứng với sự vượt mức chỉ tiêu. Những nơi liên tiếp 2 năm có kết quả hoạt động tồi tệ, không cải thiện được thứ hạng, không đạt chỉ tiêu tối thiểu theo quy định thì không được cấp thêm kinh phí.

Lãnh đạo những bộ ngành, tỉnh thành liên tiếp đạt kết quả hoạt động xuất sắc, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được xem xét để cất nhắc lên chức vụ cao hơn và ngược lại. Cho thôi chức vụ đối với lãnh đạo những bộ ngành, tỉnh thành liên tiếp 2 năm có kết quả hoạt động tồi tệ, không cải thiện được thứ hạng, không đạt được chỉ tiêu tối thiểu.

Kết quả đánh giá được công khai trên máy tính của các cấp lãnh đạo, trang web của chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng, hội trường lớn của các bộ ngành và các nơi công cộng thuận tiện khác để cán bộ, nhân dân tiện theo dõi giám sát.

Như vậy, không chỉ có lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh thành mà cả đội ngũ cán bộ cũng phải nỗ lực hết mình, chủ động, tích cực tìm kiếm và trọng dụng nhân tài để tồn tại và phát triển. Những người lãnh đạo tài giỏi sẽ thấy phấn khích và biết rõ được những điểm yếu cần khắc phục, những điểm mạnh cần phát huy. Những người không đủ sức gánh vác nhiệm vụ sẽ phải tự xin rút khỏi vị trí trong danh dự. Những người yếu kém, làng nhàng không dám chạy chức quyền vì lo sợ khó thu hồi vốn, thậm chí mất trắng.

Kỳ cuối: Tranh cử để tuyển chọn chính khách tài năng

TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Kinh tế và chính trị thế giới)

Trả lương cao, tuyển chọn nghiêm ngặt để có nhân tài trị quốc

Trả lương cao, tuyển chọn nghiêm ngặt để có nhân tài trị quốc

Để có được nhân tài trị quốc, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thực hiện chế độ lương thưởng hậu hĩnh cho các quan chức tài giỏi.