- Bộ GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản những nội dung không thiết thực, tăng sự chủ động cho nhà trường.
Xung quanh vấn đề này, VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).
Ông có thể cho biết, mục đích của việc tinh giản những nội dung dạy học vượt quá kiến thức của chương trình?
Ngày 1/9/2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn 5842/BGDĐT-VP hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông để phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Đồng thời, Bộ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; đổi mới quản lý dạy học trong nhà trường.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện các giải pháp nhằm tinh giảm nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành ở một số nơi chưa thực hiện triệt để và đạt được hiệu quả mong muốn.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT |
Theo hướng tinh giản, hiệu quả, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, Bộ GD-ĐT ban hành công văn 4612/BGDĐT-GDTrH nhằm tiếp tục hướng dẫn các trường sắp xếp lại nội dung dạy học, tạo điều kiện cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực; tiết kiệm thời gian dành cho học sinh vận dụng kiến thức để phát triển các kỹ năng; khắc phục tình trạng dạy học quá nặng về nội dung kiến thức, gây quá tải, góp phần hạn chế học thêm, dạy thêm.
Đồng thời cũng chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước tiếp cận phương thức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện, giáo viên đang rất băn khoăn việc dạy học nên như thế nào để vừa không gây áp lực cho học sinh nhưng vẫn đáp ứng được việc đổi mới thi cử. Chưa kể, trong những năm gần đây, nhiều bài thi yêu cầu học sinh phải nắm được những kiến thức mở rộng ngoài chương trình SGK, trong khi Bộ yêu cầu không được dạy những nội dung ngoài SGK. Ông có ý kiến gì về điều này?
Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, việc đưa những thông tin ngoài SGK vào dạy học và kiểm tra đánh giá chính là thực hiện yêu cầu vận dụng kiến thức trong chương trình, SGK vào thực tiễn, từng bước hình thành phẩm chất và năng lực học sinh.
Điều này Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn tại công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng ma trận đề thi, kiểm tra theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dung và vận dụng cao.
Dạy học đúng mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình chính là định hướng mà Bộ đã chỉ đạo trong những năm gần đây.
Vậy việc đánh giá, tổ chức thi cử khi giảm tải kiến thức trong SGK sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Những nội dung kiến thức cụ thể cần tinh giản đối với từng môn học và hoạt động giáo dục đã được Bộ hướng dẫn cụ thể từ năm 2011 tại Công văn số 5842/BGDĐT- GDTrH ngày 1/9/2011.
Nội dung kiểm tra, thi tuyển sinh đầu cấp, thi THPT quốc gia hằng năm nằm trong chương trình giáo dục phổ thông và không bao gồm những nội dung đã tinh giản theo công văn hướng dẫn nêu trên.
Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH không yêu cầu cắt giảm những nội dung kiến thức cụ thể nào mà chỉ yêu cầu các nhà trường, giáo viên và học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không gây quá tải cho thầy và trò, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, có thêm điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Khi việc dạy học đã đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông thì không ảnh hưởng gì đến việc kiểm tra và thi cử.
Việc rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng sẽ được Bộ hướng dẫn cụ thể tới từng trường học như thế nào khi số lượng giáo viên quá lớn?
Việc rà soát, sắp xếp lại nội dung dạy học để xây dựng thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trong các trường.
Vấn đề này, Bộ đã có các văn bản hướng dẫn, đồng thời tập huấn để giáo viên các trường phổ thông thực hiện trong nhiều năm qua. Qua theo dõi thì hầu hết các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông đều đã nắm được và thực hiện tích cực, có kết quả.
Để tiếp tục triển khai mở rộng chủ trương này, cùng việc ban hành công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH, Bộ đã và đang tiếp tục biên soạn tài liệu hướng dẫn; tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến trên mạng "Trường học kết nối" và tập huấn trực tiếp cho đội ngũ giáo viên cốt cán để về tập huấn mở rộng tại các địa phương.
Cùng với đó, Bộ đã và đang tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu, phân tích bài học, tham gia xây dựng và thảo luận các chuyên đề dạy học thông qua trang mạng "Trường học kết nối",…
Qua nhiều biện pháp đồng bộ như vậy, đội ngũ giáo viên phổ thông sẽ nắm vững và thực hiện tốt những hướng dẫn của Bộ vừa qua.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hùng