Về bản chất, câu chuyện có con nối dõi hay chống gậy chỉ là phần phụ lục của nội dung chính – an sinh lúc tuổi cao, sức yếu của phần đông dân chúng bao đời nay ở nước ta.
LTS: Người Việt và Châu Á nói chung có quan điểm đẻ con ra để "sau này có đứa chống gậy". Tư duy đó còn phù hợp với thời đại hiện nay không? Có kéo lùi sự vận động tất yếu của xã hội toàn cầu hóa? Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là giải pháp đúng đắn không? và là bất hiếu hay văn minh?
Tuần Việt Nam kính mời độc giả tham gia diễn đàn 'Phụng dưỡng cha mẹ Thế kỷ 21'
Trẻ cậy cha, già cậy con trai
Nhiều nhà nghiên cứu trong đó có Marcia Carteret (2010) đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai mô hình gia đình đang tồn tại trên thế giới. Trong khi mô hình gia đình hạt nhân (hai thế hệ - phương tây) đề cao cái tôi, tính độc lập, tự chủ của mỗi thành viên trong gia đình, thì mô hình gia đình đa thế hệ (đặc biệt ở phương Đông) đề cao tính tập thể, sự sẻ chia và vì mục đích chung trong lối sống của mỗi thành viên và nghĩa vụ của họ đối với gia đình và xã hội.
Các giá trị của mô hình gia đình truyền thống phương đông – vốn đề cao sự hiếu đễ và nghĩa vụ của con cái đối với bố mẹ, ông bà cùng triết lý “uống nước nhớ nguồn” chính là cơ chế hợp lý nhất. |
Công nghiệp hóa đã thúc đẩy quá trình hình thành và duy trì mô hình gia đình hạt nhân phương tây – do những cặp vợ chồng mới sinh sống tại những thành phố lớn, cách xa gia đình và người thân ở quê nhà. Trong cấu trúc gia đình hai thế hệ này, các chức năng về tài chính và giáo dục đều phụ thuộc vào nhà nước - tương phản hoàn toàn với những gì mà các gia đình đa thế hệ truyền thống từng đảm trách (Georgas, J., 2003).
Bên cạnh đó, kinh nghiệm và kiến thức bản địa không quá quan trọng trong sản xuất công nghiệp cũng khiến cho người già khó thể hiện được vai trò của họ trong môi trường mới. Lâu dần các thế hệ trở nên độc lập và thiếu gắn kết với nhau hơn, đẩy trách nhiệm chăm sóc người già nhiều hơn về phía nhà nước, khiến các viện dưỡng lão mọc lên ngày càng nhiều hơn.
Tại Việt Nam ngày nay, mặc dù cấu trúc xã hội đã thay đổi căn bản từ mô hình gia đình đa thế hệ truyền thống sang mô hình gia đình hạt nhân, nhưng các chức năng và thuộc tính của gia đình truyền thống vẫn còn đậm nét. Đó là các mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa các tiểu gia đình trong một đại gia đình dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa.
Cho đến tận những năm gần đây, khái niệm an sinh xã hội vẫn còn xa lạ với đa phần dân chúng. Trong khi đó nông nghiệp vẫn là sinh kế chủ yếu của đất nước nên của cải làm ra trong xã hội ít khi dư giả chứ chưa nói đến tích lũy. Với phần lớn những người làm nông nghiệp hay lao động tự do, cái tương lai ảm đạm không có thu nhập khi tuổi già đến là rất rõ ràng.
Có thể nói, các giá trị của mô hình gia đình truyền thống phương đông – vốn đề cao sự hiếu đễ và nghĩa vụ của con cái đối với bố mẹ, ông bà cùng triết lý “uống nước nhớ nguồn” chính là cơ chế hợp lý nhất. Nó giúp giải quyết vấn đề này không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần thông qua nhiều nét đẹp trong thực hành văn hóa của người Việt chúng ta. Từ lâu tương lai của nhiều ông bố, bà mẹ khi về già chỉ có thể phần nào được đảm bảo khi họ có con cái.
Trong cả nghìn năm qua, phụ nữ sau khi lập gia đình thường chỉ nắm vai trò nội trợ, thủ quỹ gia đình và nuôi dạy con cái. Bất bình đẳng trong các cơ hội việc làm, thụ hưởng giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội đã tước đoạt phần lớn quyền và tiếng nói của người phụ nữ trong các quyết định liên quan đến nguồn lực của chính gia đình họ.
Quan điểm “con gái là con người ta” được hình thành có liên quan mật thiết với vấn đề này – do phần lớn trong số họ không có vai trò gì trong việc đảm bảo an sinh của chính cha mẹ mình. Thực ra câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con” lâu nay đã bị thiếu một từ – “trai”.
Về bản chất, câu chuyện có con nối dõi hay chống gậy chỉ là phần phụ lục của nội dung chính – an sinh lúc tuổi cao, sức yếu của phần đông dân chúng bao đời nay ở nước ta. Ngày nay, chúng ta rất dễ gặp những ông bố, bà mẹ hài lòng và hạnh phúc với gia đình chỉ sinh toàn con gái. Đối với phần lớn trong số họ, nỗi lo về hậu thế, nòi giống thực ra khá mơ hồ. Trong khi đó nhờ có công việc ổn định, thu nhập tốt và hệ thống an sinh xã hội tiến bộ hơn, cộng với vị thế ngày càng tăng lên của nữ giới, nỗi lo ngắn hạn về cuộc sống lúc về già không đáng phải quan tâm.
Nhìn vào kinh nghiệm của các nước có văn hóa tương đồng là Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể thấy phát triển công nghiệp và đô thị hóa không nhất thiết phá vỡ các chức năng của gia đình truyền thống. Trái lại nhờ khả năng tự chủ nhiều hơn về kinh tế của mỗi thế hệ mà mọi người có điều kiện quan tâm đến nhau hơn, trong đó người già cảm thấy tự tin, thoải mái hơn để vui sống.
Viện dưỡng lão vẫn là cần thiết cho những người hết khả năng lao động và không có người thân chăm sóc, nhưng không nên xem là nơi sống nốt quãng đời còn lại của đa phần người già yếu trong xã hội Việt Nam.
Phát triển và đảm bảo một hệ thống an sinh xã hội tốt, có khả năng tiếp cận cho mọi người, song hành với thúc đẩy bình đẳng giới, thực thì quyền phụ nữ có thế xem là giải pháp căn bản để niềm hân hoan đoàn tụ với đại gia đình sẽ vẫn còn là mong ước của nhiều người Việt trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Trần Văn Tuấn
* Thằng chống gậy hay tính sĩ diện hão của người Việt
* Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để báo hiếu
* Yêu con là phải hầu con cả đời