Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, liên tiếp những vụ việc người lớn có hành vi bạo hành trẻ em nơi công cộng mà nguyên nhân khởi phát chỉ là những mâu thuẫn nhỏ của những đứa trẻ.
Mới đây, ngày 22/8, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một người đàn ông hành hung, đánh đập bé trai 12 tuổi gây thương tích trước sảnh chung cư ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Nội dung clip cho thấy, một người đàn ông mặc quần áo đen, lao tới hành hung, đánh đập bé trai ngay giữa nơi công cộng đông người.
Đáng nói, sau khi cháu bé ngã xuống đất, người này tiếp tục đạp vào mặt rồi dùng tay đánh liên tiếp vào đầu khiến đứa trẻ thương tích khắp cơ thể. Nhiều người dân có mặt tại hiện trường đã chạy lại can ngăn người đàn ông và bày tỏ sự bất bình.
Ngay sau đó, nhận thấy tính chất nghiêm trọng và sự bức xúc của dư luận về vụ việc, Công an quận Hoàng Mai đã vào cuộc điều tra.
Trước đó, một sự việc tương tự cũng đã xảy ra vào chiều 16/8, tại bể bơi Tây Hồ (số 43B phố Đặng Thai Mai, Hà Nội). Cụ thể, anh Đ. đưa 2 con trai 8 tuổi và 6 tuổi đến bể bơi Tây Hồ để học bơi. Thấy cháu H.A. (9 tuổi) đùa nghịch, dìm con trai 8 tuổi của mình từ phía sau, anh Đ. đã phản ứng bằng hành động "trả đũa".
Ngay sau đó, anh Đ. trực tiếp bước xuống bể bơi và có hành động dìm đầu cháu H.A. xuống nước với khoảng thời gian vài giây trong tiếng kêu khóc, van xin của cháu nhỏ.
Vụ việc này cũng được ghi lại, chia sẻ hình ảnh trên mạng với nhiều luồng ý kiến, trong đó có những bình luận trách móc về sự mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế dẫn tới hành động bạo hành trẻ nhỏ.
Công an quận Tây Hồ cho biết, quá trình giải quyết, 2 gia đình đều hợp tác, anh Đ. đã xin lỗi phụ huynh cháu H.A.
Hành vi đáng lên án
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Hành vi bạo hành trẻ em vì bất kỳ nguyên nhân gì cũng đáng trách, nhất là hành động vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi cần bị xử lý bằng chế tài của pháp luật để bảo vệ trẻ em, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phân tích sự việc người đàn ông dìm cháu bé 9 tuổi và vụ việc cháu bé 12 tuổi bị đánh ở sảnh chung cư, luật sư chỉ ra rằng: Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp trẻ em bị thương tích dù dưới 11%, Cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với người đã đánh trẻ em về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp nạn nhân là trẻ em không có thương tích nhưng hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, lúc này Cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố người đã bạo hành trẻ em nơi công cộng về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư, trong những vụ việc nêu trên, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của những người đã hành hung đối với các cháu bé, làm rõ nguyên nhân sự việc, đánh giá hậu quả thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp sự việc là Cố ý gây thương tích ở khung tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng thì kể cả trường hợp gia đình nạn nhân không yêu cầu xử lý, Cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, vì chuyện mâu thuẫn của trẻ nhỏ, vì bênh con mà người lớn có hành vi "trả đũa", trực tiếp hành hung trẻ em là hành vi rất đáng trách, đáng lên án, thậm chí là vi phạm pháp luật.