Theo kết luận điều tra, bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) đã đưa hối lộ gần 30 tỷ đồng cho nhiều cá nhân, trong đó có ông Đặng Công Khôi, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Với vị trí của mình, ông Khôi có quyền hạn kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá tại các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil. Từ tháng 10/2017, ông Khôi cũng là người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Phòng Giá vật tư sản xuất (đơn vị có chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá).

Kết luận điều tra cho rằng, từ tháng 10/2017 đến đầu năm 2023, Công ty Xuyên Việt Oil không thực hiện gửi sao kê tài khoản Quỹ Bình ổn giá đến Cục Quản lý giá theo quy định. 

Việc này ông Khôi biết rõ vì đã được cấp dưới báo cáo, nhưng ông đã không nhắc nhở Công ty Xuyên Việt Oil chấp hành đúng quy định pháp luật. Qua đó, gián tiếp tạo điều kiện cho bà Hạnh chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền phải trích nộp vào Quỹ Bình ổn giá.

viet oil 123.jpg
Cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh đã chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền phải trích nộp vào Quỹ Bình ổn giá.

Cơ quan điều tra (CQĐT) chỉ ra rằng, do được bà Hạnh chi tiền hối lộ nên ông Khôi đã không chỉ đạo, đề xuất áp dụng biện pháp xử lý kịp thời đối với Công ty Xuyên Việt Oil để ngăn chặn hành vi làm trái quy định pháp luật của bà Hạnh và đồng phạm, dẫn đến gây thất thoát tài sản nhà nước.

Cụ thể, vào tháng 6/2019, ông Khôi làm trưởng đoàn kiểm tra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Bị can phát hiện công ty này không thực hiện nộp tiền vào Quỹ Bình ổn giá, nhưng không kiến nghị, đề xuất xử lý theo quy định. Khi đó, bà Hạnh có đưa tiền hối lộ nhưng ông Khôi không nhận.

Đến tháng 3/2021, ông Khôi tiếp tục làm trưởng đoàn kiểm tra và thấy Công ty Xuyên Việt Oil vẫn không thực hiện nộp Quỹ Bình ổn giá nên đã yêu cầu công ty phải thực hiện việc nộp tiền vào quỹ.

Do vậy, bà Hạnh đã bàn bạc với bị can Đinh Tiến Dũng, Kế toán trưởng Công ty Xuyên Việt Oil để chi hối lộ cho ông Khôi. Sau đó, vào sáng ngày 26/3/2021, tại Nhà khách Quốc hội, ông Dũng đã hối lộ 20.000 USD cho ông Khôi.

Kiến nghị của cơ quan điều tra

Hoàn tất kết luận điều tra vụ Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) nhận thấy có một số nguyên nhân xảy ra tội phạm đến từ công tác kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá, thu tiền thuế bảo vệ môi trường. 

Theo đó, các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá không được quản lý tập trung mà quỹ này được để tại doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giao doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư Quỹ Bình ổn giá về cơ quan quản lý nhà nước. 

Pháp luật hiện hành cũng không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ Bình ổn giá mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan. 

Do đó, chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lợi dụng việc được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá để tại doanh nghiệp để chiếm dụng, sử dụng trái phép tiền quỹ, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Để phòng ngừa sai phạm, CQĐT kiến nghị: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá của các cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai số dư quỹ và tài liệu, chứng từ chứng minh theo định kỳ hằng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.

Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, theo đó cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá hoặc chuyển quỹ về cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp. 

Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay CQĐT có thẩm quyền để xem xét, xử lý hình sự.