- Sau bài viết chia sẻ chuyện phụ huynh ở Mỹ chuẩn bị cho con học vỡ lòng, phụ huynh Lê Ngân Hà gửi tới VietNamNet bài viết kể lại chuyện trẻ em được hướng dẫn cách tự học viết trước khi vào lớp 1. Dưới đây là bài viết của chị Hà.
Điều kiện tiên quyết trước khi con vào vỡ lòng ở Mỹ hay lớp 1 ở Việt Nam là con phải biết cầm bút đúng cách, cho dù là tay phải hay tay trái.
Trẻ cầm bút một cách chắc chắn sẽ viết rất nhanh, đỡ mỏi và lòng tự tin cũng dâng cao khi trẻ bắt chước được chữ cái. Trong khi đó, trẻ ít tiếp xúc với các dụng cụ viết sẽ mau mỏi, viết chậm, dễ nản lòng và cảm thấy tự ti trong những ngày đầu đi học. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập lâu dài của con.
Do đó, các bậc cha mẹ ở Mỹ giới thiệu bút cho con từ rất sớm, tức là từ khi trẻ cầm nắm được. Thế nhưng tâm thế của họ là con cầm bút để chơi và dần dần con sẽ học được cách cầm bút đúng trong suốt 5 năm trước khi học vỡ lòng, khác với một số phụ huynh ở Việt Nam nháo nhào đưa con đi học thêm để con được cô rèn chữ viết trước khi vào lớp 1.
Nếu so sánh, bạn thấy đứa trẻ ở Mỹ hay Việt Nam được chuẩn bị tốt hơn và có tâm lý thoải mái hơn?
Tôi may mắn có một năm tình nguyện ở một trường tiểu học.
Giờ học bắt đầu tầm 45 phút thì tới giờ các cô giáo dạy tiếng Anh cho trẻ không phải bản xứ đi đến các lớp đón các em đến phòng riêng của bộ môn tiếng Anh.
Trên hành lang bên ngoài lớp, tôi có thấy một vài cái bàn đặt rải rác. Ở đó, có thể có một em học sinh ngồi tập viết hoặc làm toán bên cạnh tình nguyện viên, để đảm bảo rằng “Không có trẻ nào bị bỏ rơi phía sau” (“No child left behind”).
Tuy lớp học có tầm 10-24 học sinh và 2 giáo viên, nhưng giáo viên cũng chỉ hướng dẫn các em cầm viết cho đúng rồi thôi, không có cầm tay hay gò nét chữ gì cả.
Ngay cả tình nguyện viên bên ngoài lớp học cũng chỉ hướng dẫn và quan sát các em tự rèn luyện mà thôi.
Trẻ ở độ tuổi khác nhau thì cách cầm bút khác nhau, tùy theo giai đoạn phát triển của cơ thể cũng như sự thuần thục của các kỹ năng. Trẻ từ 1-2 tuổi thường dùng nguyên lòng bàn tay và các ngón tay để cầm bút, gọi là Fisted Grasp. Và khi trẻ nguệch ngoạc thì trẻ chưa dùng được sự linh hoạt của các ngón tay và cổ tay mà lại chuyển động vai và khuỷu tay.
Giia đoạn 1: Trẻ cầm bút bằng cả lòng bàn tay và các ngón tay
Trẻ 2-3 tuổi vẫn còn dùng nguyên nắm tay để cầm bút nhưng ngón trỏ chỉ xuống. Lúc này trẻ có thể vẽ được các đường cong và đường thẳng nhưng biên độ đường vẽ vẫn rất lớn và chưa có độ chính xác.
Giai đoạn 2: Trẻ vẫn dùng lòng bàn tay và các ngón tay nắm lại nhưng ngón trỏ chỉ xuống
Từ 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi thì trẻ có thể cầm phấn hoặc bút màu bằng ngón cái và ngón trỏ, đồng thời tì bút vào đốt ngón tay giữa, cách cầm này gọi là Static Tripod. Cũng có thể bạn thấy trẻ khác dùng cả 4 ngón tay ngoại trừ ngón út để cầm bút, được gọi là Static Quadrupod. Lúc này cổ tay của trẻ đã có thể di chuyển linh hoạt hơn và trẻ không cần phải tì cả cánh tay vào bề mặt để vẽ hoặc viết nữa. Đây là một bước nhảy quan trọng trong việc cầm bút.
Giai đoạn 3
Giai đoạn 4: Trẻ dùng 4 ngón tay để cầm bút
Từ 4 tuổi rưỡi đến 5 tuổi, trẻ vẫn dùng 3 hoặc 4 ngón tay để cầm bút, tuy nhiên ngón đeo nhẫn và ngón út đã ẩn vào sát lòng bàn tay giúp cố định hình vòm bàn tay và cổ tay linh hoạt hơn. Chuyển động viết của trẻ bây giờ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào vai và khuỷu tay nữa.
Cách cầm bút này giúp trẻ vẽ hoặc tô màu chính xác hơn. Trẻ có thể tô trong đường kẻ, không bị lan ra ngoài, vẽ được nhiều chi tiết hơn. Và khi bạn thấy trẻ cầm bút như thế này liên tục nhiều lần, tức là trẻ đã gần sẵn sàng để tập viết.
Giai đoạn 5: Trẻ dùng 3 ngón tay để cầm bút
Giai đoạn 6
Vậy nếu trẻ đã đến tuổi đi học mà vẫn không cầm được bút bằng 3 hoặc 4 ngón tay như trên thì sao? Nhiều phụ huynh Mỹ đã chia sẻ nhiều mẹo để giúp con cầm bút đúng. Cách thứ nhất là dùng dây cao su cột vào bút để giúp con cố định bút viết.
Cách thứ hai là họ cho con một miếng bông gòn, bảo con dùng 2 ngón đeo nhẫn và ngón út để giữ bông gòn, trong khi 3 ngón còn lại cầm bút.
Cách thứ ba là dùng kẹp quần áo để kẹp bút.
Cách thứ tư là tập cho con làm dấu hiệu tay OK, sau đó bảo con cầm bút giữa ngón tay và cuộn tròn 3 ngón còn lại vào lòng bàn tay.
Tuy nhiên, cách bền vững nhất vẫn là cho con chơi các hoạt động giúp khỏe các cơ nhỏ ở bàn tay như các gợi ý dưới đây:
- Luồn các hạt bẹt vào dây để làm vòng đeo tay, đeo cổ. Nếu nhà không có hạt bẹt, bạn có thể tận dụng ống hút, cắt ra thành miếng nhỏ và cho trẻ luồn chỉ qua.
- Chơi bột nặn với các động tác như lăn bột, se bột, vặn bóp bột, có thể dùng các dụng cụ như đồ giập tỏi để cho trẻ tăng cường cơ các ngón tay.
- Tập dùng kéo. Cho trẻ dùng dụng cụ bấm lỗ để bấm giấy.
- Dùng các que gắp hoặc kẹp quần áo để gắp đồ vật.
- Cùng hát và làm các động tác tay theo các bài hát. Ở Mỹ các bài hát này khá nhiều như: Itsy bitsy spider, The wheels on the bus…
- Làm thủ công với đa dạng vật liệu: hộp giấy, băng keo...
- Các trò chơi xây dựng như xây khối gỗ, Lego hoặc các trò chơi xây dựng khác.
- Để trẻ tự thực hiện các hành động phù hợp với lứa tuổi. Trẻ 7 tháng có thể tự bốc thức ăn, qua 1 tuổi có thể dùng muỗng và 3 tuổi dùng đũa để tự ăn. Trẻ 3 tuổi có thể tự mặc đồ và cài nút, trẻ 4 tuổi có thể tự kéo dây khóa. Trẻ 5 tuổi đã có thể tự dùng giấy sau khi đi vệ sinh xong.
Trẻ em Việt Nam đa số được đi nhà trẻ đều có cơ hội làm thủ công, múa hát và chơi bột nặn. Khi về nhà, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con chơi nhiều hơn và tự mình thực hiện những hành vi chăm sóc cá nhân nhiều hơn để bé có cơ hội rèn luyện kỹ năng của mình.
Khi các cơ vận động tinh phát triển thì trẻ sẽ cầm bút dễ dàng hơn, khi viết chữ cũng rõ ràng. Thay vì bắt con ngồi rèn chữ viết 30 phút đồng hồ, bạn hãy cho con chơi bột nặn 30 phút, đọc sách cùng với con, cung cấp sẵn viết và bút chì màu ở nơi thuận tiện để khi con muốn, con có thể có phương tiện để vẽ và kể những câu chuyện của mình. Những hoạt động đơn giản trên đều dễ dàng thực hiện được ở ở bất cứ đâu.
Hãy tạo cho con tinh thần tích cực đối với việc cầm bút và tập viết, con sẽ cảm thấy háo hức hơn khi đón chào năm học mới.
Lê Ngân Hà