Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Giải quyết các vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam do Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức ngày 28/9.

Các chuyên gia khẳng định tình trạng phá thai ở Việt Nam có xu hướng giảm nhưng vẫn nhức nhối. Với vấn đề mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, các chuyên gia cho rằng hệ lụy đối với sự phát triển thể chất, tầm vóc hay tinh thần, chất lượng sống của người trẻ rất lớn.

Theo báo cáo công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chiếm 2,5-3% tổng số ca mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập.

"Số ca phá thai vị thành niên có giảm theo số liệu từ các cơ sở y tế công lập, nhưng thực tế là trẻ vị thành niên lựa chọn phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân nhiều hơn vì đỡ rườm rà thủ tục, khai báo hành chính, lộ thông tin, kể cả cha mẹ dẫn con đi 'giải quyết' cũng ít đến viện công. Đó là phần chìm của tảng băng mà chúng ta chưa có số liệu", ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, chia sẻ tại hội thảo.

Theo ông Tuấn, thực tế trẻ vị thành niên nếu có nhu cầu phá thai thường lựa chọn cơ sở y tế tư nhân. Ảnh: Võ Thu

Hiện tuổi trung bình có quan hệ tình dục lần đầu của nhóm đối tượng điều tra từ 14-24 tuổi là 18,7 tuổi, sớm hơn so với kết quả điều tra trước đó (là 19,6 tuổi năm 2010). 15% số vị thành niên, thanh niên tham gia nghiên cứu cho biết đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân, cao hơn khoảng gấp đôi so với các kết quả điều tra trước đó (năm 2003-2008).

Theo ông Đinh Huy Dương, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi quan hệ tình dục ngày càng thấp, nhưng kiến thức, thái độ và kỹ năng liên quan sức khỏe sinh sản của vị thành niên còn khá hạn chế.

Chỉ 17,4% trả lời đúng câu hỏi về thời điểm mà người phụ nữ có thể có thai. Gần 26% thanh thiếu niên 15-24 tuổi biết được các bước chính xác việc sử dụng bao cao su. Thậm chí, không ít trường hợp cho rằng chỉ cần đeo phương tiện tránh thai này khi gần xuất tinh; hoặc quan hệ lần đầu thì không thể mang thai được.

Ông Đinh Anh Tuấn cho hay hiện không ít trẻ vị thành niên, thanh niên "hồn nhiên", thoải mái đi vào hiệu thuốc mua không chỉ bao cao su, thuốc tránh thai khẩn cấp mà còn cả thuốc phá thai. Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm chuyên gia, rất nhiều (trên 76%) vị thành niên tham gia nghiên cứu vẫn ngại và sợ ai đó nhìn thấy bản thân mua bao cao su hoặc nghĩ mình đang làm việc gì đó sai trái.

Trong khi đó, khoảng 30% số người trong nhóm nữ từ 15-24 tuổi dù có nhu cầu về biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Ở nhóm chưa từng kết hôn nhưng có quan hệ tình dục, tỷ lệ này còn cao hơn.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong nỗ lực giảm số ca mang thai và phá thai vị thành niên nhưng con số thu thập được từ các bệnh viện vẫn đáng lo ngại. 

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2022, công bố hồi tháng 8, có 51 trẻ vị thành niên trong tổng số 4.717 trường hợp phá thai tự nguyện (chiếm 1,08%), gần một nửa số ca mang thai trên 12 tuần. Bác sĩ Hà Duy Tiến, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay khi tuổi quan hệ tình dục ngày càng giảm xuống, trong khi kiến thức về phòng tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục của vị thành niên còn chưa đầy đủ, sẽ tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.

Thông tin tại hội thảo dẫn số liệu Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho thấy năm 2022, tổng số trẻ dưới 18 tuổi đến xin bỏ thai ngoài ý muốn là 708, hơn 30% số trường hợp có tuổi thai từ 16-22 tuần, nghĩa là đã lớn.  

Tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), năm 2021, số trẻ vị thành niên mang thai chiếm 0,74% tổng số lượt khám kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở này. Năm 2022, tỷ lệ này giảm còn 0,59% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.