Như VietNamNet đã đưa, sáng 19/7, trên một số tuyến phố ở Hà Nội có treo tấm biển có nội dung: “Tìm 2 anh dắt nhầm xe!!! Khu vực Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông”. Kèm theo đó là hình ảnh hai người đàn ông đèo nhau trên một chiếc xe máy. 

Tấm biển được treo trên nhiều tuyến phố như Nguyễn Văn Lộc (Mộ Lao, Hà Đông), Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy), Ngụy Như Kon Tum, Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân), Khâm Thiên (Đống Đa)…

UBND phường Mộ Lao, Hà Đông cho biết, nếu tìm được người treo các tấm biển này sẽ tùy tính chất, mức độ vi phạm để xử lý.

Tấm biển được treo trên phố Nguyễn Văn Lộc (Mộ Lao, Hà Đông). Ảnh Đình Hiếu

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, có thể ai đó đã bị mất xe nên đang muốn truy tìm, nhưng cũng có thể đây là hành vi nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một ai đó. 

Dù nguyên nhân là gì thì hành vi đăng thông tin như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật, ít nhất cũng sẽ bị xử phạt hành chính.

Trường hợp có người bị mất cắp chiếc xe mô tô, pháp luật quy định người này có quyền trình báo sự việc để CQĐT vào cuộc xác minh làm rõ, kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, đã có hành vi lén lút chiếm đoạt chiếc xe của nạn nhân, CQĐT có thể khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản và tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. 

Nếu việc mất trộm là có thật, người mất tài sản đã trình báo nhưng không được cơ quan chức năng thụ lý tin báo, không tiến hành xác minh theo quy định pháp luật thì nạn nhân có quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan đã nhận đơn để được giải quyết theo thủ tục. 

Luật sư cho hay, pháp luật quy định, CQĐT có trách nhiệm thụ lý tin báo theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và thông tư liên tịch. 

Trường hợp cố tình không thụ lý tin báo, không đảm bảo an ninh trật tự, bỏ lọt tội phạm, cơ quan tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhưng nếu kết quả xác minh cho thấy, không có việc mất xe mô tô, người đăng hình ảnh đó có mâu thuẫn với người trong hình ảnh nên đã sử dụng hình ảnh đó để vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" hoặc tội "Vu khống" theo quy định tại điều 155, điều 156, Bộ luật Hình sự.

Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi đăng biển quảng cáo, đăng thông tin lên cột điện, nơi công cộng trái quy định sẽ bị xử phạt hành chính đến 2 triệu đồng theo quy định khoản 1, Điều 26, Nghị định số 38/2021/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo và văn hóa.

Trường hợp hành vi là sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất mức độ và hậu quả cụ thể.

“Có thể nói rằng đây là một sự việc khá hi hữu, ẩn sau đó có thể là một câu chuyện khác, một hành vi vu khống, xúc phạm danh dự của người khác hoặc đó là sự bất lực khi người bị hại đã có đơn trình báo nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Vấn đề này CQĐT sẽ xác minh làm rõ, ai sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.