Nội dung của buổi Tọa đàm nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng về giá trị của sách, vai trò của đọc sách trong việc thay đổi nhận thức, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất và đời sống, lan tỏa tri thức ngành tới bạn đọc và bà con nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Tại Tọa đàm, diễn giả Cao Văn Hà - Chủ tịch danh dự Quỹ Khuyến học ước mơ lớn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã chia sẻ về quá trình xây dựng tủ sách dòng họ, ý nghĩa và tác động của chúng đến việc thúc đẩy phong trào khuyến đọc ở vùng nông thôn mà cụ thể là quê hương của ông.

“Cần phát triển văn hóa đọc sách từ gia đình, mỗi gia đình sẽ là một tủ sách và mỗi người đọc sách là một người truyền cảm hứng, từ đó sẽ góp phần tri thức hóa nông dân”, ông Cao Văn Hà nhấn mạnh.

toadam

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, tri thức đối với người nông dân hiện là chủ đề rất được quan tâm bởi vì nó sẽ phát huy được sức mạnh của cộng đồng. “Chúng ta muốn có thành công trong nông thôn mới, hoặc xa hơn là đất nước có trở nên thịnh vượng bằng con đường kinh tế tri thức hay không thì mỗi người dân phải được trang bị đầy đủ những công cụ cho hành trang của họ, trong đó có tri thức và người nông dân được đặt ở vị trí trọng tâm. Tri thức hóa nông dân sẽ là tiền đề cho việc phát triển một nền nông nghiệp xanh, kinh tế xanh. Qua sách chúng ta có làm được điều đó không, đó cũng là thách thức cho những người làm công tác quản lý, các nhà khoa học”, ông Toản phát biểu.

Theo ông Toản, chuyển đổi số là không ngừng, đòi hỏi có sự tham gia của cả xã hội, không chỉ là việc riêng của một Bộ hay đơn vị. Sách ngoài hình thức truyền thống thì cũng có sách số, ví dụ như nền tảng Reavol - ứng dụng đọc sách do người Việt sáng tạo, đang được sử dụng tại Bộ, rất dễ dàng cài đặt và sử dụng, mang đến trải nghiệm đọc hoàn toàn mới mẻ cho người dùng. Ông Toản mong rằng người dùng sẽ phát triển thói quen đọc sách nhiều hơn trên các nền tảng số. Mỗi đơn vị Bộ nên có không gian sách, mỗi người đứng đầu đơn vị nên đi tiên phong, truyền cảm hứng cho các cán bộ đơn vị mình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu nói mà ông rất tâm đắc tại tọa đàm: “Đọc sách để thấy mình nhỏ bé hơn, nhỏ bé để trở lên lớn mạnh, từ nghèo khó trở nên giàu có, thấy mình chậm để đi nhanh hơn. Đọc sách để thay đổi, để người nông dân ta bớt khổ, tiến bộ, văn minh hơn”. Qua đó Bộ trưởng mong muốn sẽ có nhiều sách hữu ích, phù hợp cho người nông dân.

Qua buổi Tọa đàm, Bộ trưởng đã gợi mở cho các nhà khoa học, nhà quản lý những giải pháp viết sách cho người nông dân, nhân rộng văn hóa đọc sách trong phong trào nông thôn mới. “Chúng ta cần một cuộc cách mạng về sách cho nông thôn. Cần chuyển thể những bài báo khoa học thành ngôn ngữ của người dân để những câu chữ hàn lâm không còn là rào cản giữa nông dân và những trang sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.