Sáng 30/12, phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trí thức là lực lượng đại diện cho trí tuệ, tài năng của nhân dân và dân tộc, là một trong những nguồn lực và động lực quan trọng nhất mang lại sự đột phá và sự phồn vinh cho đất nước.

“Có thể khẳng định, thành quả cách mạng, đặc biệt là thành tựu vĩ đại đạt được của đất nước sau 40 năm đổi mới có đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học”, Tổng Bí thư biểu dương.

Còn “lãng phí chất xám”, “bạc màu chất xám”, “chảy máu chất xám”

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức và việc thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục triệt để. 

Trong đó có những hạn chế về sử dụng, trọng dụng; cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài còn nhiều hạn chế.

37e914e6 3f7d 43ed a95c c4e299b0e383.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải

"Nếu một nhà khoa học học ở nước ngoài 24 tuổi tốt nghiệp rồi học lên tiến sĩ, làm ở trung tâm tiến bộ ở thế giới trong 10 năm về nước đã 35 - 40 tuổi rồi, theo quy định hiện nay thì quá tuổi không đưa vào bộ máy được. Chính sách như thế thì rất bất cập", Tổng Bí thư phân tích.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng lưu ý, tình trạng chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức, nhà khoa học chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội; việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.

"Còn để xảy ra tình trạng “lãng phí chất xám”, “bạc màu chất xám”, “chảy máu chất xám”", Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Về thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học với Tổ quốc, Tổng Bí thư thẳng thắn nhìn nhận cũng còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và đầu tư của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Trong đó, nhân tố tinh hoa và hiền tài chưa nhiều, chuyên gia đầu ngành còn thiếu hụt nghiêm trọng…

Vẫn còn một số trí thức nhà khoa học đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc, vị kỷ, né tránh trách nhiệm, chưa dám dấn thân đến những nơi khó khăn, gian khổ như lớp cha anh, hiểu biết thực tiễn còn hạn chế, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tổng Bí thư nêu ví dụ đâu đó còn có hiện tượng một số đơn vị, cá nhân coi ngân sách nhà nước phân bổ để thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học thành “nguồn kinh tế”, “nguồn thu nhập” ngoài lương chứ không tính tới hiệu quả kinh tế- xã hội; thờ ơ, bàng quan trong đấu tranh phê bình, tự phê bình với hiện tượng thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học...

Yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển nhanh và bền vững

Nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng, không nắm bắt thời cơ đó là có tội, Tổng Bí thư khẳng định: Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới nâng cao được năng suất lao động, là động lực cho tăng trưởng, là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. 

Đảng, Nhà nước, nhân dân đang kỳ vọng, mong chờ sự cống hiến, đóng góp ở quy mô, tầm vóc mới, với những bứt phá mạnh mẽ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

“Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới”, Tổng Bí thư trăn trở.

Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học.

Trong đó, tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà chặng đường đầu là từ nay tới năm 2045. 

Ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập cũng như xác định các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là những tài năng hàng đầu, chuyên gia đầu ngành và nhân tài xuất sắc, đào tạo và bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.

Tổng Bí thư lưu ý, đặc biệt coi trọng và chú trọng việc tôn vinh trí thức, sớm có quy định cụ thể, lấy kết quả và sản phẩm đầu ra trên tinh thần “vì nhân dân phục vụ” là cơ sở để tôn vinh, tặng thưởng, bảo đảm thể hiện sâu sắc văn hóa coi trọng hiền tài, tránh hình thức, cào bằng, không dân chủ. 

Bên cạnh việc có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng đội ngũ trí thức. 

Chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo

Về phía đội ngũ trí thức, nhà khoa học, Tổng Bí thư đề nghị 3 vấn đề. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới.

Tổng Bí thư lưu ý, sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật chiếm lĩnh đỉnh cao...

"Những mục tiêu này, Nghị quyết 45 của Đảng bước đầu đã đề ra, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần có chiến lược cụ thể bứt phá, tăng tốc để thực hiện cho được", Tổng Bí thư nói.

Ngoài ra, Tổng Bí thư yêu cầu nghiên cứu, tập trung sớm triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” như một nguồn cảm hứng, một động năng mới, một miền đất mới, bầu trời mới cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học.

_3619.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm khuyến khích các nhà khoa học tự do khám phá, nhất là ở những khoảng trống, hoang vu của khoa học.  Ảnh: Phạm Hải

"Các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có “phép thuật” để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số”. 

Theo Tổng Bí thư, cần ý thức sâu sắc trách nhiệm của trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới, trách nhiệm trong nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc...

Từ đó, trí thức, nhà khoa học nỗ lực phấn đấu, trung thực trong khoa học và sáng tạo bằng khả năng và vượt khả năng của mình, thậm chí “vượt lên trên chính mình” nhằm phục vụ nhân dân và vì sự phồn vinh của đất nước; biết phản biện và dám phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng. 

Tổng Bí thư cũng yêu cầu quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là gắn kết chặt chẽ giữa các trung tâm khoa học, các viện nghiên cứu, nhà trường với các doanh nghiệp và ngược lại; chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo... 

“Để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học - những người tiên phong nòng cốt tạo ra sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, tạo gia tốc cực đại cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới”, Tổng Bí thư nhắn nhủ.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã trở thành từ khóa đáng chú ý trong năm 2024, được lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị và đã trở thành “kim chỉ nam” hành động của toàn Đảng, toàn dân.
Cấp tổng cục được sắp xếp, tinh gọn như thế nào?

Cấp tổng cục được sắp xếp, tinh gọn như thế nào?

Bộ Công an đã từng xóa bỏ 8 tổng cục và tương đương, mọi việc vẫn êm, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành. Có những người hôm nay là tổng cục trưởng nhưng ngày mai thành cục trưởng là chuyện bình thường.