Chiều 4/12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tiếp tục diễn ra.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45).

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. 

b2e146f73c2c9572cc3d 1340.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức. Ảnh: N.Thắng

Ngày 6/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10 ban hành Nghị quyết 27 khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thực tiễn hoạt động của đội ngũ trí thức Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với bối cảnh trước khi ban hành Nghị quyết 27. Do vậy, cần phải có phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do vậy, cần tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đến nay đội ngũ trí thức phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ…. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn chứng các con số như: Lao động có trình độ học vấn từ đại học trở lên tăng từ 2,7 triệu người (năm 2009) lên 6,2 triệu (năm 2021). Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, năm 2020, số lượng cán bộ nghiên cứu có khoảng 150.000 người. Trong lĩnh vực giáo dục, số giảng viên đại học tăng từ 65.200 giảng viên (năm 2013) lên 86.000 giảng viên (năm 2021)….

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu một số hạn chế như cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quan trọng. Chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến phát triển đội ngũ trí thức..

Về quan điểm của Nghị quyết 45, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội.

Quan điểm thứ hai, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội…

0f7325a1147bbd25e46a.jpg
Ảnh: N.Thắng

Có chính sách tuyển dụng, tiền lương cho nhân tài

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, nghị quyết đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý cần tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển một số cơ sở đào tạo. 

Đồng thời, kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.

Cùng với đó cần tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, phải sớm ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức.

Trong nhiệm vụ, giải pháp mới được đề xuất, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu, cần có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức.

Tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng.

Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức....

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hội nghị là bước khởi đầu để nghị quyết đi vào cuộc sống. Cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nghị quyết, nêu cao trách nhiệm, nỗ lực để đảm bảo các nghị quyết đạt được thực chất, gắn với từng địa phương, đơn vị.

2d020256468cefd2b69d.jpg
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu.

Quá trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số cấp ủy, tổ chức đảng cho thấy một số tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, chưa sâu sát, chưa quyết tâm cao. Nơi này, nơi kia tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Sau hội nghị này, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc để việc thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao.

Nghị quyết phải đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất, không để xảy ra tình trạng hình thức, đối phó.