Đảm bảo chống dịch

Để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh, HEPZA đề xuất Sở Y tế thành phố hỗ trợ xét nghiệm cho các doanh nghiệp, bố trí khoảng 104.000 bộ kit test nhanh cho gần 52.000 người lao động tại doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" để tự thực hiện trong thời gian 14 ngày (7 ngày/lần) kể từ 23/8 - 6/9/2021.

Ngay sau mỗi lần test nhanh, doanh nghiệp sẽ gửi kết quả và clip quá trình lấy mẫu do người đứng đầu doanh nghiệp ký tên, đóng dấu tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ người lao động của mình.

Ngoài ra, HEPZA đề nghị Sở Y tế bố trí đầy đủ nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện sắp xếp lịch đến lấy mẫu đảm bảo theo tiến độ cho toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp (7 ngày/lần) để đảm bảo không phát sinh các ca F0 trong khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đề nghị UBND thành phố Thủ Đức, quận 12, huyện Nhà Bè sớm tổ chức tiêm vaccine mũi thứ nhất cho nguời lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” trong khu chế xuất, khu công nghiệp nơi địa bàn trú đóng.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm y tế địa phương hỗ trợ khẩn trương đưa các ca F0, F1 ra khỏi môi trường sản xuất để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động nếu có trường hợp phát sinh ca nhiễm trong thời gian từ ngày 23/8 đến 6/9.

{keywords}
Kiến nghị nhiều giải pháp chống dịch và duy trì sản xuất

Đảm bảo an sinh cho công nhân

Theo HEPZA, trong hai ngày 23 và 24/8, tổng số doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất “3 tại chỗ” là 90 doanh nghiệp với tổng số tiền mua hàng khoảng 250 triệu. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của HEPZA ghi nhận những ngày đầu thực hiện giãn cách, các nhà cung ứng khó khăn trong việc giao hàng do tình hình đi lại khó khăn. Đồng thời số lượng nhân sự của các hệ thống cung ứng hàng hóa còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Do vậy, HEPZA đề nghị Sở Công thương TP HCM cung cấp đủ các đơn vị bán hàng để việc cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất được đảm bảo. HEPZA sẽ phối họp với các công ty phát triển hạ tầng tiếp nhận hàng hóa được giao từ nhà cung ứng chuyển đến cổng khu công nghiệp để giao cho doanh nghiệp.

Riêng các khu công nghiệp trên địa bàn quận, huyện thuộc “vùng đỏ”, đề nghị UBND quận, huyện là đầu mối tiếp nhận các đơn hàng từ nhà cung ứng và chuyển cho Hepza tại cổng khu công nghiệp. Theo đó, HEPZA sẽ phối họp với các công ty phát triển hạ tầng tiếp nhận hàng hóa và chuyển đến các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, HEPZA kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực chốt kiểm soát cho phép lưu thông đối với xe của đơn vị vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức xem xét bố trí khu vực rào chắn phù hợp, tạo điều kiện công nhân di chuyển từ nơi lưu trú (khách sạn, nhà trọ) đến địa điểm tập kết để lên xe đến nhà máy, xí nghiệp làm việc.

Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục hỗ trợ, sớm xem xét cấp giấy nhận diện có mã QR code cho các phương tiện vận tải hàng hóa của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đối với các hồ sơ đã được HEPZA tiếp nhận và chuyển đến Sở Giao thông - Vận tải.

Sớm tiêm mũi 2

Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM (HBA) cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời tiêm vaccine cho 3 đối tượng công nhân tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao TP HCM…

Trong đó, kiến nghị sớm tiêm mũi 2 cho khoảng 60.000 công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" đã tiêm mũi 1 cách nay hơn 8 tuần, chủ yếu là vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, tiêm vét mũi 1 cho khoảng 20% trong tổng số công nhân chưa tiêm mũi 1 vì nhiều lý do.

Đối với số công nhân trước đây đã tiêm mũi 1 nhưng đang ở nhà hoặc nhà trọ (chưa đi làm lại), HBA kiến nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch sắp xếp cho tiêm mũi 2. Riêng các công nhân đã tiêm mũi 1 nhưng đã về quê, HBA sẽ trình danh sách họ tên số công nhân này (theo danh sách do doanh nghiệp cung cấp) để Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đề xuất Ban Chỉ đạo của Thành phố thông báo đến UBND các tỉnh/thành đề cơ quan y tế tại địa phương tiếp tục tiêm mũi 2 kịp thời hạn.

"Việc này nhằm giúp công nhân trở lại làm việc được thuận lợi, an toàn. Thực trạng hiện nay, công nhân các khu công nghiêp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao – nhất là công nhân "3 tại chỗ" - không có tên trong danh sách tiêm chủng ngừa dịch Covid-19 tại phường/xã, địa phương. Do vậy, kiến nghị Ban Chỉ đạo giao cho HEPZA, SHTP được lập danh sách cho 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và kết hợp với Sở Y tế thực hiện tiêm ngừa," ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA trình bày tại văn bản.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM về tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng và đoàn đã đến kiểm tra hoạt động của các nhiều doanh nghiệp và làm việc với Sở Công Thương, Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) về tình hình sản xuất trên địa bàn thành phố hiện nay. Các doanh nghiệp mà Phó Thủ tướng đến kiểm tra đều sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, với số lượng công nhân làm việc chỉ còn 30 - 50% so với bình thường.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Bài ảnh: Bảo Anh