Thất bại trong kinh doanh
Năm 2000, Đường Kiện là doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống ở Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc). Việc kinh doanh phát triển, Đường Kiện liên tiếp mở các nhà hàng mới, thu hút rất đông thực khách. Thời điểm làm ăn phát đạt nhất, doanh nhân này có 300 nhân viên.
Năm 2005, Đường Kiện chuyển hướng sang một lĩnh vực kinh doanh khác. Mọi chuyện không được như dự định, Đường Kiện thất bại. Thất bại đó khiến việc kinh doanh nhà hàng cũng lao đao theo. Tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ mà người đàn ông này vay của ngân hàng, đối tác, người thân, bạn bè là 46 triệu tệ (gần 160 tỷ đồng).
Kinh doanh thất bại, nợ nần chồng chất, Đường Kiện lâm vào đường cùng, không có cách nào giải quyết. Các bên đòi nợ liên tục gọi điện yêu cầu thanh toán các khoản vay, Đường Kiện sợ đến mức không dám nghe máy. Với áp lực nợ nần, chuyện kinh doanh phá sản, vợ của Đường Kiện ly hôn chồng rồi đưa con đến nơi khác.
Từ người giàu có, Đường Kiện khốn khó đến mức có lúc chỉ còn 20 tệ (70.000 đồng) trong túi. Mang trong mình nỗi bất lực và sợ hãi, Đường Kiện không dám gặp mọi người.
Năm 2015, ông khăn gói lên núi Lão Sơn để sống. Có lúc nghĩ quẩn, người đàn ông này từng định nhảy xuống vực sâu để thoát khỏi những áp lực nợ nần và khó khăn. May mắn là ông vẫn còn lý trí để suy nghĩ lại và quyết định tiếp tục sống, tìm đường làm ăn để trả nợ.
Rời núi Lão Sơn, Đường Kiện gặp các bên cho vay nợ. Ông nói rõ tình cảnh, thừa nhận sai lầm. Với cách nói chuyện chân thành, các chủ nợ cũng phần nào thông cảm và mong ông làm ăn sớm ngày hoàn trả toàn bộ số tiền.
Phụ mẹ bán xúc xích và bước đổi đời
Năm 2016, ông từng đứng ra giúp bạn bè lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng, ăn uống với tư cách là chuyên gia tư vấn, nhưng mọi chuyện đổ bể. Thời điểm đó, Đường Kiện mất niềm tin vào bản thân, cảm thấy không còn gì để hi vọng. Giữa lúc khó khăn cùng cực, ông đành về phụ mẹ bán xúc xích từ 10h sáng đến 10h đêm.
Xúc xích là món ăn được nhiều người ưa thích, song khách hàng luôn mang tâm lý lo lắng, nguyên liệu làm xúc xích không sạch sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Nắm bắt tâm lý của khách, Đường Kiện chú ý ngay từ khâu vệ sinh thực phẩm. Ông mua thịt ở siêu thị có chứng nhận kiểm dịch, an toàn, không mua ở chợ. Giấy tờ mua hàng được để tại quầy nên khách hoàn toàn tin tưởng.
Năm 2020, với sự giúp đỡ của bạn bè, ông mở một cửa hàng bán xúc xích và cơ sở sản xuất xúc xích nhỏ. Đích thân Đường Kiện kiểm tra chất lượng từ nguyên liệu đến gia vị.
Cũng năm đó, khách hàng đổ đến ăn xúc xích của ông ngày càng đông. Trong số các thực khách, có một cô gái vừa ăn vừa quay video để giới thiệu lên mạng. Đó là thời điểm cửa hàng của ông càng được nhiều khách biết.
Theo chỉ dẫn của mọi người, tháng 8/2020, Đường Kiện bắt đầu phát sóng trực tiếp (livestream) để bán xúc xích online. Nếu bán tại cửa hàng, mỗi ngày chỉ thu về 3000 tệ (10 triệu đồng) thì với kênh bán hàng qua livestream, ông có thể thu về 5000-6000 tệ (17-20 triệu đồng) hoặc cao hơn rất nhiều.
Thấu hiểu sự thất bại trước đây do dàn trải nhiều lĩnh vực, hiện tại, Đường Kiện chỉ tập trung vào xúc xích nướng cho khách. Các buổi phát sóng livestream luôn đông khách, mồ hôi đầm đìa, vất vả nhưng đổi lại ông cảm thấy rất vui.
Nhìn thấy sự phát triển trong việc kinh doanh của Đường Kiện, các chủ nợ cũng an tâm hơn. Họ gọi điện chia sẻ niềm vui và mong ông làm ăn ngày càng phát đạt. Bởi chỉ có vậy, các khoản nợ mới sớm được trả. Đường Kiện dự định lập công ty để kinh doanh xúc xích rồi tích góp trả khoản nợ đang gánh trên vai.
Ông dự tính việc trả nợ mất 7-8 năm nhưng vẫn phải cố gắng để trả hết. Mỗi ngày, giờ đây, Đường Kiện có niềm vui là nướng xúc xích, bán cho khách và nhận lại những phản hồi tích cực. Ông có niềm tin rằng ngày trả hết nợ không còn xa nữa.
Theo Sina