Theo giới phân tích, quyết định chọn một nhân vật như vậy vào vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao chứng tỏ Chủ tịch Kim Jong Un coi trọng những người trung thành trong Đảng và quân đội giữa một thời kỳ nhạy cảm và bế tắc trong đàm phán với Mỹ.

{keywords}
Ảnh: Pyeongyang Press Corp

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin ngoại giao ở Seoul cho biết, tuần trước, Triều Tiên thông báo với các nước có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng rằng ông Ri Son Gwon - một sĩ quan quân đội cao cấp và là một quan chức trong đảng Lao động cầm quyền - đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Ông Ri Son Gwon lên thay ông Ri Yong Ho, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm đàm phán với Washington.

Hãng thông tấn NK News trụ sở ở Seoul lúc đầu đưa tin về sự thay đổi này, dẫn các nguồn không nêu tên ở Bình Nhưỡng.

Giới phân tích cho rằng hiện còn quá sớm để nhận định về tác động diễn biến mới đối với tiến trình đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc. Nhưng nhiều ý kiến chỉ ra rằng ông Ri Son Gwon thường đóng vai trò đối đầu trong đàm phán với Hàn Quốc. Không giống người tiền nhiệm, nhân vật này không có kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề hạt nhân hoặc làm việc với phía Mỹ dù ông có dẫn đầu các cuộc thương thảo cấp cao với một số láng giềng.

Từng là Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Đất nước (CPRC) chuyên trách các mối quan hệ với Hàn Quốc, Ri Son Gwon là quan chức quân sự mới nhất được thăng chức vào ban lãnh đạo đảng cầm quyền Triều Tiên.

Khi Chủ tịch Kim Jong Un giám sát một số vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn năm vừa qua, số sĩ quan quân sự và công nghiệp vũ khí tháp tùng ông ngày càng đông. Ri Son Gwon không xuất hiện trước công chúng kể từ khi đàm phán với Hàn Quốc sa lầy năm ngoái. Nhưng vào tháng 4, ông được chọn vào Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và lần xuất hiện gần đây nhất là tại một cuộc họp hồi tháng 12 của ủy ban trung ương hoạch định chính sách thuộc đảng Lao động.

Là một nhà đàm phán cứng rắn, Ri Son Gwon "đã ra khỏi phòng" đối thoại quân sự với Hàn Quốc hồi năm 2014 khi Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng xin lỗi về "những hành động khiêu khích quân sự trước kia" của Triều Tiên, theo một cựu quan chức Hàn Quốc. Ri Son Gwon còn được biết đến là cánh tay phải của Kim Yong Chol - một cựu lãnh đạo quân sự giữ chức vụ cao trong đảng trước khi chỉ đạo các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Theo Yonhap News, ghế Ngoại trưởng Triều Tiên đổi chủ cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẽ định hình lại chính sách đối với Washington và Seoul. Sự thay đổi này diễn ra sau khi Hàn Quốc nhắc lại cam kết cải thiện quan hệ liên Triều giữa lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc và sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận của Mỹ và Hàn Quốc đối với chính quyền Kim Jong Un.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội không đạt kết quả, Kim Yong Chol không còn xuất hiện nhiều trước công chúng khi ông Kim Jong Un khen ngợi các nhà ngoại giao thành thạo trong quan hệ với Mỹ, trong đó có Choe Son Hui, người phó của Ri Yong Ho. Nhưng Kim Yong Chol dường như đã lấy lại được ảnh hưởng của mình ở hậu trường, còn vai trò của Ri Yong Ho lại dần phai nhạt khi đàm phán cấp làm việc với Mỹ sụp đổ hồi tháng 10 và Washington phớt lờ thời hạn chót phải nối lại đàm phán vào cuối năm 2019.

Sự vắng bóng của Ri Yong Ho trong bức ảnh tập thể các quan chức cấp cao của đảng cầm quyền hồi tháng 12 đã làm dấy lên đồn đoán về tương lai của ông này.

"Ri Yong Ho là quan chức đã bị gạt bên lề sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội và đã phải rời khỏi vị trí vì những người được Bộ Ngoại giao lựa chọn dường như không hoàn thành được việc gì", Michael Madden, một chuyên gia về ban lãnh đạo Triều Tiên thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định.

Theo các nguồn tin ngoại giao, khi Ri Son Gwon trở thành Ngoại trưởng, nữ Thứ trưởng Choe dự kiến sẽ giành được một vị trí có ảnh hưởng, một phần nhờ nền tảng gia đình và mối quan hệ cá nhân gần gũi với những người phụ nữ thân thiết với Chủ tịch Kim Jong Un, trong đó có vợ và em gái ông.

"Điều quan trọng nhất là những gì ông Kim Jong Un đang nghĩ trong đầu, và ông cần ai đó có thể tin tưởng để nói thay mình, dù đó là Ri Son Gwon hay Choe Son Hui" - Kim Hong-kyun, một cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, bình luận.

Thanh Hảo