“Tôi đang gọi cho ông bằng một chiếc điện thoại di động đích thực, một chiếc điện thoại di động cá nhân, cầm tay, mang theo được”, ông Cooper – khi ấy là kỹ sư Motorola – nói trong cuộc gọi với Joel Engel, Giám đốc phòng thí nghiệm Bell Labs của nhà mạng AT&T.
Dù phải mất thêm một thập kỷ để người dùng bình thường tiếp cận điện thoại di động, bất kỳ ai bước qua ông Cooper hôm ấy cũng đã chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử.
Trong vòng 50 năm kể từ cuộc gọi đầu tiên, thiết bị cồng kềnh của ông Cooper không ngừng phát triển và được thay bằng chiếc máy nhỏ nhắn hơn nhiều, phổ biến mọi nơi và tái tạo các ngành công nghiệp, văn hóa cũng như cách chúng ta liên lạc với người khác.
Trả lời CNN, ông Cooper, nay đã 94 tuổi, cho biết ông không ngạc nhiên khi mọi người đều sở hữu một chiếc điện thoại di động. “Chúng tôi từng kể rằng một ngày nào đó, khi sinh ra, bạn sẽ được gắn với một số điện thoại”, ông nói.
Sự trỗi dậy của điện thoại di động
Vài tháng trước cuộc gọi lịch sử, Motorola đang chạy đua phát triển chiếc điện thoại di động cùng với Bell Labs, bộ phận nghiên cứu huyền thoại của AT&T, nơi đã phát minh ra bán dẫn và các công nghệ mới khác.
“Họ là công ty lớn nhất thế giới, còn chúng tôi chỉ là tên tuổi nhỏ bé tại Chicago”, ông Cooper hồi tưởng. “Họ không nghĩ rằng chúng tôi cũng quan trọng”.
Theo kỹ sư Motorola, đối thủ của ông không hề phấn khích khi nhận được cuộc gọi của mình. Cho đến nay, ông Joel cũng không nhớ có cuộc gọi này.
Sau cuộc gọi của ông Cooper, các vấn đề sản xuất và quy định của chính phủ đã làm chậm tiến độ đưa điện thoại đến với công chúng. Chẳng hạn, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) vật lộn với việc tìm cách phân chia các kênh vô tuyến để đảm bảo cạnh tranh.
Mất một thập kỷ để chiếc điện thoại DynaTAC cập bến thị trường với giá 3.900 USD. Máy nặng hơn 1,13 kg và dài 30,48 cm. Để so sánh, iPhone 14 nặng 170 gram và dài chưa đến 15,24 cm.
Cho đến thập niên 1990, điện thoại di động hiện đại mới cất cánh nhờ kích thước nhỏ gọn hơn và thân thiện với người dùng hơn. Ngày nay, 97% người Mỹ sở hữu một chiếc điện thoại di động, theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm nghiên cứu Pew.
Trong những năm đầu sau khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên, ông Cooper đã viết sách về sức mạnh chuyển đổi của điện thoại di động, thành lập doanh nghiệp và diễn thuyết, xuất hiện trước truyền thông. Dù vậy, không phải tiến bộ công nghệ nào ông cũng nắm bắt. Ông cho rằng nhiều kỹ sư quên mất mục đích của công nghệ là “làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn”. Ông phải nhắc nhở họ về điều này.
Sau 50 năm, ông Cooper đang dùng iPhone (trước đây là Samsung), ông yêu việc sử dụng Apple Watch để theo dõi việc bơi lội của mình và kết nối máy trợ thính với điện thoại. Ông tự nhận bản thân là người lạc quan. Dù di động gây ra những tiêu cực như làm cho mọi người nghiện điện thoại, nhìn chung, ông nhận xét nó đã thay đổi loài người theo hướng tốt đẹp hơn và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai.
(Theo CNN)