Trước khi khẳng định nước nào sẽ là siêu cường toàn cầu thời gian tới, chúng ta cần nhìn lại các yếu tố để tạo nên một siêu cường là gì. Quan điểm chung đều cho rằng siêu cường là một quốc gia có thể tạo ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới quốc gia đó tới khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Điều này đạt được thông qua sức mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa, ngoại giao và khoa học kỹ thuật. Nếu xét về khía cạnh này thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã là siêu cường. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu cả hai có thực sự thể hiện được tất cả những điều nói trên ở phương diện toàn cầu, nếu không thì nước nào nổi trội hơn?
Về mặt kinh tế có thể dễ dàng chỉ ra rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đang thẳng tiến trên đường tới vị thế siêu cường. Cả hai đều có thị trường nội địa lớn về kích thước và quy mô. Các thị trường này lớn đến mức hầu hết các nước phát triển khác hiện đều phải phụ thuộc về xuất khẩu tới và nhập khẩu từ hai nước này.
Tuy nhiên, đây không phải là cách có thể dựa vào để phán đoán một nước đang trên đường tới vị thế siêu cường về mặt kinh tế. Nên đánh giá sâu hơn về nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc, đó là kiểm chứng về tốc độ tăng trưởng GDP, sản lượng sản xuất, các ngành dịch vụ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hai nước và hai nước đầu tư ra ngoài. Điều này sẽ giúp có cái nhìn rộng hơn xem nước nào có thể ảnh hưởng đến tương lai của nền kinh tế toàn cầu, như cách mà nước Mỹ đã làm trong vòng 60-70 năm qua.
Trước hết, trong nhiều lĩnh vực Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Ấn Độ. Tăng trưởng hai con số ổn định trong thời gian dài hơn mà Trung Quốc đạt được hiện giúp Trung Quốc ở vị thế cao hơn so với các nước khác về quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, dù chưa thừa nhận, nhưng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hiện đang giảm dần trong 5 năm trở lại đây trong khi đó tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đang tăng dần.
Đến cuối năm 2015, Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số tất cả các nước phát triển. Xét về cấu trúc tăng trưởng kinh tế cho thấy Ấn Độ tăng chậm nhưng chắc. Các báo cáo gần đây của IMF và Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng dựa vào sản xuất và công nghiệp, chiếm 44% toàn bộ nền kinh tế và dịch vụ chiếm 46%.
Ngược lại đối với Ấn Độ, công nghiệp chỉ chiếm 24%, dịch vụ chiếm 58%. Điều này cho thấy Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào nguồn lực thông qua giáo dục nhằm tạo ra các kỹ sư, các nhà khoa học – những người cần thiết cho sự thành công trong thế giới toàn cầu hóa mà không cần phải đi theo lối mòn truyền thống công nghiệp hóa trước khi bước vào nền kinh tế tri thức.
Theo báo cáo của Forbes năm nay, Ấn Độ cũng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu gần hơn Trung Quốc. Khi so sánh hai nước này, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù Trung Quốc chiếm 17% GDP toàn cầu trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 7% nhưng xuất khẩu của Ấn Độ đạt giá trị phần trăm GDP lớn hơn nhiều so với của Trung Quốc. Điều này cũng đúng về mặt FDI.
Thoạt đầu có thể thấy Ấn Độ đi sau Trung Quốc rất nhiều; theo số liệu của CIA World Factbook, FDI vào Trung Quốc đạt 1,44 nghìn tỷ USD, lớn hơn vào Ấn Độ 12 lần. Nhưng chúng ta không được quên rằng, FDI vào Ấn Độ chiếm 12,3% đầu tư vào bên trong với trị giá 310 tỷ USD, trong khi đó đầu tư vào bên trong của Trung Quốc chỉ chiếm 10,5%. FDI đầu tư ra ngoài cũng là một câu chuyện khá thú vi.
Năm ngoái, các công ty Ấn Độ đã hoàn thành 70% việc mua bán, sáp nhập ở nước ngoài, so với Trung Quốc là 50%. Lý do là vì Ấn Độ là một nước dân chủ, các công ty chủ yếu là thuộc lĩnh vực tư nhân, trong khi đó các công ty của Trung Quốc là công ty nhà nước bị trung ương kiểm soát. Khi phải lựa chọn, các công ty nước ngoài thường chọn bán cho Ấn Độ.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhưng với một chính phủ BJP (BJP – Đảng Nhân dân Ấn Độ) chiếm đa số thì có vẻ như việc quyết định rỡ bỏ những rào cản về thương mại và đưa ra các cải cách cần thiết để thu hút đầu tư cùng với chiến dịch “Make in India” thì có thể tin rằng một khi chính phủ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và đào tạo tốt đông đảo dân số trẻ, thì Ấn Độ sẽ thống lĩnh nền kinh tế toàn cầu hơn Trung Quốc trong những năm tới.
Phát triển kinh tế không phải là cái kết của câu chuyện về vị thế siêu cường. Tất nhiên, một nền kinh tế vượt trội không phải là tất cả để dựa vào đánh giá, ít nhất trong số đó phải kể đến là sức mạnh về quân sự thể hiện cả trong và ngoài nước.
Hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có lực lượng quân đội hùng hậu: Trung Quốc có trên 2 triệu lính, Ấn Độ hơn 1,3 triệu. Trong vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong việc mở rộng các căn cứ quân sự, trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (J-20) và mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm hạt nhân cũng như tàu ngầm nhỏ có thể chở vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Ấn Độ chỉ vừa mới bắt đầu tiến trình hiện đại hóa.
Ấn Độ phải thừa nhận rằng ngày nay Trung Quốc đang có lực lượng quân đội hùng mạnh và tiên tiến. Mặc dù vậy, điều này đang thay đổi nhanh chóng. Ấn Độ không cần nhiều quân lính, tàu chiến hay máy bay nhiều hơn Trung Quốc mà chỉ cần công nghệ tốt hơn. Về mặt này, Ấn Độ đang nhanh chóng vượt lên Trung Quốc. Ấn Độ đã đào tạo ra được nhiều nhà khoa học, các nhà thiết kế, kỹ sư, kỹ sư phần mềm giỏi nhất thế giới, và nhờ sự cởi mở, sẵn sàng hợp tác với các nước khác, những thay đổi đang dần lộ rõ nhanh chóng.
Ví dụ, Ấn Độ đã thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA), với sự hợp tác giữa công ty Hindustan Aeronautics và Tập đoàn Sukhoi của Nga, công ty đã chế tạo máy bay quân sự trên 70 năm qua. Đây là máy bay đa chức năng, có khả năng vừa là máy bay chiến đấu, vừa thả bom và sử dụng các công nghệ tàng hình mới nhất, động cơ ở cấp độ cao, tốc độ hành trình hơn Mach-1, hệ thống radar quét tự động, điều khiển bắn tiên tiến với độ chính xác tăng cao.
Tất cả những đặc điểm này cùng thế hệ với J-20 của Trung Quốc và F-22 của Mỹ. Chương trình cũng đang triển khai cùng với các dự án quân sự khác để xây dựng các phiên bản tốt nhất của tên lửa hành trình mà FGFA sẽ có khả năng thực hiện. Cùng với sản phẩm này, trên đài BBC vào ngày 25/01, Pháp và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận để Ấn Độ mua 36 chiếc Rafale JETS từ Pháp và nhiều người tin rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm việc chia sẻ một số công nghệ.
Nhưng chính phiên bản FGFA của Ấn Độ mới tạo ra sự khác biệt đối với Trung Quốc. Theo tạp chí quốc phòng The National Interest, J-20 đã được sản xuất mà không hề có hỗ trợ của nước ngoài và FGFA sẽ cho phép Ấn Độ có thể vượt qua Trung Quốc về những lợi thế trên không.
Còn tiếpBiên dịch: Văn Cường
- Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (Nghiencuuquocte.org)