- Luật Trưng cầu ý dân vừa được VP Chủ tịch nước công bố nêu rõ mục tiêu phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của nhà nước.

Tại họp báo công bố luật hôm nay, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia VN Lê Minh Tâm nhấn mạnh: "Luật góp phần thiết thực phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong truyền thống quý báu của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước".

{keywords}

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia VN Lê Minh Tâm

Luật giải thích rõ "trưng cầu ý dân là việc nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước".

Như vậy, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân tuy cùng là hình thức để nhân dân phát huy quyền dân chủ, thể hiện ý kiến của người dân với nhà nước, nhưng có sự khác nhau về nôi dung, hình thức và giá trị pháp lý.

Về nội dung, đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do QH quyết định. Về hình thức, khi được trưng cầu, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín.

Trưng cầu ý dân cũng có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu, có hiệu lực ngay sau khi công bố.

Luật cũng quy định rõ các vấn đề trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; các vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Theo luật, trưng cầu ý dân chỉ được thực hiện trong phạm vi cả nước. Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành là có giá trị thi hành. Đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp, phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành. Ông Lê Minh Tâm cho biết quy định về tỉ lệ như vậy là cao so với các nước.

Chủ tịch nước, Thủ tướng tuyên thệ ngay sau khi được bầu

Nội quy kỳ họp QH cũng được công bố hôm nay, bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với các chức danh Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án Tòa án NDTC.

Trong sáng nay, VP Chủ tịch nước cũng công bố bộ luật Hàng hải, các luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, Kế toán, Thống kê, Khí tượng thủy văn, Phí và lệ phí, Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng...

Chung Hoàng