Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thời gian gần đây, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trúng độc do bị rắn cắn đặc biệt là rắn hổ mang

Bệnh nhân L.V.P (53 tuổi, trú tại Thanh Hóa) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bàn tay căng phồng, ngón tay bị cắn thâm đen do rắn hổ mang cắn. Theo bệnh nhân, buổi chiều tối, khi đang dọn cỏ khô, ông bị một con rắn cắn vào ngón tay.

Ngay sau đó, ông đã đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Đến khuya, vùng rắn cắn đau nhức nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, ông P. được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện xử lý nhiễm trùng.

Nam bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai kèm theo hình ảnh con rắn đã được gia đình chụp lại. Ảnh: BSCC.

Tại Trung tâm Chống độc, một nữ bệnh nhân khác cũng bị rắn hổ mang cắn. Theo lời chia sẻ, bà đi tháo nước ở ngoài ruộng đã bị một con rắn tấn công vào bàn tay. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ đã chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn cho bệnh nhân này. Sau nhiều ngày theo dõi, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Tiến sĩ Nguyên cho biết thời điểm mùa mưa sẽ có nhiều trường hợp bị rắn cắn. Hiện, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều và trong đó rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn. Xếp thứ hai là rắn lục đuôi đỏ.

Khi bị rắn cắn, bác sĩ Nguyên lưu ý nạn nhân nên bình tĩnh. Biện pháp sơ cứu có thể áp dụng là hạn chế vận động của bệnh nhân. Cố gắng vận chuyển nạn nhân bằng phương tiện vận chuyển hoặc có người khiêng. Tuyệt đối không được để nạn nhân tự đi lại di chuyển. 

Các biện pháp không nên áp dụng, làm nặng thêm tình trạng bệnh nhân rắn cắn như chích, rạch vùng rắn cắn hay hút nọc độc, sử dụng các biện pháp dân gian đắp lá, đắp thuốc.