Chiu Tzu-Yin, Chủ tịch công ty wafer National Silicon Industry Group (NSIG), nhận định Trung Quốc không thể tránh khỏi “sự chia tách trong bán dẫn”. Ông phát biểu trong một hội thảo về chuỗi cung ứng bán dẫn tổ chức tại Quảng Châu. Theo ông, đây sẽ là cơ hội tốt nhất dành cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc và nguyên vật liệu nội địa.

Do hoạt động nhập khẩu máy móc sản xuất chip ngoại bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ, các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này được chú ý hơn. Họ cũng được tài trợ và đầu tư dựa theo sáng kiến Made in China 2025.

Naura Technology là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei)

Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 35% nhà máy bán dẫn trong nước sử dụng thiết bị nội trong năm 2022, tăng từ 21% năm 2021. Họ cũng thắng thầu gần một nửa các gói thầu thiết bị cho các nhà sản xuất chip trong những tháng đầu năm.

David Wang, CEO ACM Research – công ty chuyên về thiết bị làm sạch wafer, cho biết xung đột chính trị toàn cầu có thể mở ra kỷ nguyên vàng cho lĩnh vực máy móc sản xuất bán dẫn Trung Quốc.  

Naura Technology, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip hàng đầu đại lục, kiếm được 14,6 tỷ NDT năm ngoái, cao hơn 6 lần năm 2017. Công ty mua lại một nhà sản xuất thiết bị làm sạch wafer của Mỹ năm 2018 và mở rộng danh mục kinh doanh, bao gồm sản phẩm khắc.

Naura được cho là sẽ cung ứng cho SMIC và Yangtze Memory Technologies. Với khoản đầu tư 3,8 tỷ USD, công ty sẽ xây nhà máy tại Bắc Kinh, dự kiến hoạt động vào năm sau.

Trong khi đó, doanh thu năm 2022 của Advanced Micro-Fabrication Equipment – nhà sản xuất công cụ sản xuất chip và thiết bị khắc lớn thứ hai cả nước – tăng gần 5 lần so với năm 2017. Hãng đang xây nhà máy 1,5 tỷ NDT tại Thượng Hải.

Doanh số thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc đạt 52 tỷ NDT năm trước, tăng gần 6 lần năm 2017. Khoảng 62 tỷ NDT vật liệu sản xuất cũng được tiêu thụ, tăng ba lần trong cùng kỳ. Doanh thu của NSIG tăng gần 5 lần trong khoảng thời gian 2017 – 2022. Chỉ tính riêng năm 2022, NSIG đã huy động thành công 10 tỷ NDT. Ông Chiu tiết lộ công ty dự định tăng công suất wafer 300mm hàng tháng lên 1,2 triệu đơn vị, gấp bốn lần hiện nay.

Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để đối đầu với Washington. Theo Giáo sư Wei Shaojun đến từ Đại học Thanh Hoa, “các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn sẽ cùng hợp tác đổi mới, tăng tốc nỗ lực tự chủ phong cách Trung Hoa trong bán dẫn”.

Theo báo cáo của SEMI, Trung Quốc đứng đầu thế giới về doanh số thiết bị sản xuất chip ba năm liên tiếp, bất chấp sụt giảm 5% năm 2022. Nhu cầu sẽ còn tăng trong năm nay, đặc biệt khi các nhà sản xuất chip dự đoán Mỹ sẽ ban hành những lệnh cấm vận mới. Những người chơi toàn cầu sẽ để mắt đến cơ hội tại thị trường chip khổng lồ này. Dữ liệu từ viện nghiên cứu ChipInsights chỉ ra 30% tổng doanh số ba hãng thiết bị chip lớn nhất Mỹ đến từ quốc gia tỷ dân.

Nhà tài trợ cho hội thảo tại Quảng Châu bao gồm Applied Materials, KLA và Lam Research (Mỹ), Siemens (Đức), Disco và Hitachi (Nhật Bản). Một lãnh đạo KLA đã quảng cáo chuyên môn của hãng trong chip xe hơi trong sự kiện. Các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ hiện nhằm vào chip hiện đại như chip logic 10nm và 14nm, chưa chú trọng đến thiết bị.

Một quan chức tại doanh nghiệp chip ngoại cho hay, đánh mất thị trường Trung Quốc sẽ tổn hại đến doanh thu, ảnh hưởng tới nghiên cứu và phát triển.

(Theo Nikkei)