- Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm và xây dựng cho mình cách thức quản lý tài sản nhà nước mà cụ thể là vốn nhà nước tại các DN. Sau mô hình Tổng công ty vốn Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), một 'siêu' ủy ban với tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN đang được nghiên cứu xây dựng.

Thực tế, trên thế giới, có một số mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó, Trung Quốc với một môi trường, thể chế kinh tế chuyển đổi có nhiều điểm tương đồng đã có những bước đi thử nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo.

Hệ thống quản lý

Nằm trong tổng thể quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc xây dựng mô hình quản lý tài sản nhà nước (TSNN) tập trung thông qua việc thiết lập hệ thống Ủy ban quản lý và giám sát TSNN (SASAC) ở cả cấp trung ương và các địa phương.

{keywords}

Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm và xây dựng cho mình cách thức quản lý tài sản nhà nước.

SASAC được thành lập từ tháng 3/2003 với tư cách là cơ quan cấp bộ đặc biệt thuộc Chính phủ Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của SASAC vừa là đại diện chủ sở hữu của các DNNN, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, vừa giám sát để giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các DNNN, Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) trên 3 lĩnh vực: giám sát về nhân sự chủ chốt, giám sát các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp và giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Hiện tại, SASAC có khoảng 600 cán bộ theo dõi 146 Tập đoàn kinh tế (TĐKT) và các Tổng công ty.

Nhiệm vụ chính của SASAC bao gồm: đại diện chủ sở hữu của các DNNN, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước; Thành lập các đoàn giám sát để giải quyết những vấn đề bất thường tại các DNNN, TĐKTNN; Bổ nhiệm – miễn nhiệm, đánh giá, thưởng – phạt các nhà quản lý điều hành cao cấp của các DNNN, TĐKTNN; Giám sát và quản lý việc bảo toàn, phát triển giá trị tài sản nhà nước tại các DNNN thuộc quyền quản lý thông qua chế độ báo cáo thống kê và kiểm toán; Đề xuất chính sách và quy định pháp luật cho công tác quản lý tài sản nhà nước; định hướng và giám sát công tác quản lý tài sản nhà nước tại địa phương theo quy định pháp luật.

Có thể nói, vai trò giám sát quản lý của SASAC đối với DNNN-TĐKT tập trung vào một số lĩnh vực: giám sát về nhân sự chủ chốt, giám sát các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp và giám sát TSNN tại doanh nghiệp.

Về phương pháp giám sát, trên cơ sở hướng dẫn của SASAC, các doanh nghiệp tự xây dựng quy trình, nội dung quyết định đầu tư, chế độ quản lý đầu tư, cơ cấu quản lý của doanh nghiệp mình, báo cáo để SASAC chỉ đạo và theo dõi. Trong số các chỉ tiêu quản lý định lượng doanh nghiệp, SASAC phê duyệt và giám sát 2 chỉ tiêu cơ bản là : (i) Tỷ trọng hợp lý của quy mô tài sản ngành nghề phụ trong tổng tài sản của doanh nghiệp và tỷ trọng của đầu tư ngành nghề phụ trong tổng đầu tư hàng năm; (ii) Chỉ tiêu khống chế mức tài sản nợ. Các chỉ tiêu định lượng còn lại chỉ có tính chất tham khảo đối với SASAC.

Đối với hoạt động đầu tư, SASAC cố gắng đưa ra định hướng hàng năm đối với doanh nghiệp, đảm bảo quán triệt chính sách nhà nước trong việc lập kế hoạch hàng năm, gắn kết kế hoạch đầu tư hàng năm với kế hoạch phát triển và các chỉ tiêu dự toán tài chính của doanh nghiệp.

Sự chồng chéo và phức tạp

Trong mô hình tổ chức hoạt động của SASAC, cụ thể là trong mối quan hệ giữa SASAC cấp trung ương và cấp địa phương, còn có những điểm chưa nhất quán, thậm chí còn cho thấy sự chồng chéo, phức tạp và xung đột lợi ích.

{keywords}

Chính phủ nêu rõ: do SASAC cấp trung ương trực thuộc Chính phủ, SASAC cấp địa phương trực thuộc chính quyền địa phương, nên SASAC cấp trung ương chỉ có chức năng ‘‘hướng dẫn và giám sát” chứ không phải là cấp trên trực tiếp của các SASAC cấp địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, SASAC cấp trung ương có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các SASAC cấp địa phương. SASAC cấp trung ương không chỉ thúc đẩy việc thành lập các SASAC địa phương, mà trong nhiều trường hợp còn can thiệp trực tiếp đến đến các quyết định cụ thể của SASAC địa phương.

Đối với việc quản lý và tuyển dụng nhân sự, tại SASAC cấp trung ương, các cơ quan cấp trên sẽ trực tiếp chỉ định người đứng đầu tại Top 50 DN lớn nhất trong hệ thống của SASAC, các vị trí từ Phó tổng giám đốc trở xuống cho các DN này và tuyển chọn vị trí lãnh đạo cho các DN còn lại sẽ do SASAC thực hiện. Trong khi đó, việc tuyển chọn lãnh đạo DN tại các SASAC cấp địa phương chưa có một cơ chế thống nhất, trong nhiều trường hợp chính quyền địa phương vẫn có vai trò lớn trong việc giới thiệu hoặc chỉ định lãnh đạo tại DNNN.

Thực tế, mô hình SASAC thể hiện nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong quá trình cải cách DNNN, tập trung đầu mối theo dõi và giám sát các DNNN thay cho cơ chế phân tán trước đó.

Tuy nhiên, trong thực tế, kể từ sau khi SASAC hình thành, Chính phủ Trung Quốc được đánh giá là ngày càng xa rời mô hình cải cách đã thành công trong giai đoạn trước. Chính quyền ngày càng lưỡng lự trong việc ra quyết định đóng cửa các doanh nghiệp yếu kém.

Hệ quả là 2 mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đề ra đều không đạt được: (1) Tài sản nhà nước không được tập trung vào các ngành nghề lĩnh vực mà Chính phủ mong muốn, (2) Hiệu quả hoạt động của các DNNN ngày càng suy giảm.

Do không tách biệt được giữa chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý điều hành doanh nghiệp, SASAC bị cho là bế tắc trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích và chính trị. Sự chi phối về chính trị trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra những quyết định tối ưu cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gia tăng về quy mô đến một mức nhất định, sự tham gia của SASAC - với vai trò vừa là nhà quản lý vừa là chủ sở hữu – sẽ trở thành cản trở đến những bước phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.

(Còn tiếp)

TS. Huy Nguyên