Thị trường Trung Quốc bứt phá

Báo cáo từ Bộ NN-PTNT cho thấy, 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong 9 tháng qua. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm 7,7%, chiếm 7,6% tổng kim ngạch.

Chỉ có thị trường Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 22,1% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp nước ta.

Vậy, thị trường Trung Quốc nhập những mặt hàng nông sản nào của Việt Nam?

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang thị trường tỷ dân này ghi nhận mức tăng đột biến. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giúp nước ta thu về 2,75 tỷ USD - mức cao kỷ lục lịch sử. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng tới 161,8%.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định, nhờ ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên kim ngạch tăng trưởng mạnh. Ví như quả sầu riêng, sau khi ký nghị định thư đơn hàng xuất khẩu bùng nổ. Kim ngạch tăng cao kỷ lục, đưa sầu riêng thành loại trái cây tỷ USD của Việt Nam.

Cùng với trái cây, Trung Quốc cũng chi 495,8 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt 433,8 triệu USD, tăng 42,3%; xuất khẩu cà phê đạt 101,4 triệu USD, tăng 11,4%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt 435,8 triệu USD, tăng 30%.

Song, trong 9 tháng năm 2023, thị trường này cũng giảm nhập một số mặt hàng nông lâm thủy sản của nước ta. Đơn cử, xuất khẩu gỗ, thủy sản và cao su đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, nhưng vẫn lần lượt giảm 24,5%, 16,4% và 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu sắn đạt 804,9 triệu USD, giảm 14%.

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, mặc dù Trung Quốc kiểm soát ngày càng chặt hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu trái cây sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh, bà dự báo.

xuat-khau-trai-cay-1.jpg
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc được dự báo tiếp tục bùng nổ trong những tháng cuối năm. (Ảnh: Thạch Thảo)

Kỳ vọng vào cuối năm

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, nước ta sản xuất 350-380 nghìn ha vụ Đông. Đây là vụ có thời gian sản xuất ngắn nhưng đem lại giá trị kinh tế cao. Năm ngoái, cây vụ Đông cho doanh thu 36.000 tỷ đồng.

Theo đó, rau quả vụ Đông ngoài phục vụ nhu cầu nội địa còn xuất khẩu sang các quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc mưa lớn kéo dài, xảy ra lũ lụt ở nhiều nơi nên cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả thị trường 1,4 tỷ dân rất lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định, trong số các thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam, thị trường Trung Quốc là kỳ vọng lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Đề cập tới thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả, gạo, hạt điều,... sang thị trường này tiếp tục bùng nổ, mang lại nhiều kỷ lục mới cho ngành nông nghiệp.

Các nhóm hàng khác như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, sắn và sản phẩm sắn kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này đang hồi phục, mức giảm đã nhỏ dần so với những tháng đầu năm nay.

Việc Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản khi Nhật tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển, ông Tiến cho rằng đây cũng là thời cơ của Việt Nam.