Trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt trên toàn cầu.

Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho thấy, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Đây là điều kiện để nông sản Việt có thể xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...

Tuy nhiên, công tác giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sau khi cấp của các địa phương còn hạn chế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài.

Không quản lý chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhiều lô hàng nông sản của nước ta vi phạm quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu (Ảnh: Thạch Thảo)

Đáng chú ý, thời gian gần đây, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

Từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu. Các lô hàng vi phạm chủ yếu là mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long nhiễm các loài sinh vật gây hại.

Chỉ tính 7 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện được 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít) vi phạm liên quan đến mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của 13 tỉnh An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Long An và Tiền Giang.

Tại hội nghị Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, sáng 24/8, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, qua các lần giám sát, chuyên gia nước nhập khẩu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam song cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục.

Đơn cử, việc soát xét hồ sơ chưa đảm bảo, có hiện tượng sao chép hồ sơ giữa các vùng trồng, cơ sở đóng gói; công tác kiểm tra đánh giá còn lơ là, chủ quan; chất lượng đánh giá vùng trồng, cơ sở đóng gói còn thấp. Bên cạnh đó, các cơ sở vùng trồng chưa quản lý tốt sinh vật gây hại, gây áp lực cho cơ sở đóng gói; hồ sơ, sổ sách ghi chép không đầy đủ, không cập nhật...

Các rào cản ngày càng cao

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho hay, tính đến giữa tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản qua địa bàn tỉnh đạt 1,6 triệu tấn, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. 

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc gồm: thanh long đạt 110 triệu USD, sầu riêng đạt 650 triệu USD, mít 90 triệu USD, xoài 40 triệu USD; vải thiều tươi 5,5 triệu USD, dưa hấu 30 triệu USD, chuối 5 triệu USD.

Để xuất khẩu bền vững, ngoài chất lượng, nông sản còn phải đáp ứng điều kiện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói (Ảnh: Thạch Thảo)

Theo ông Duy, thực tế những năm qua cho thấy, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này. 

Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại, phía Trung Quốc xử lý rất nặng. Họ yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ với mặt hàng ớt quả.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhìn nhận, nếu tình trạng vi phạm kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, có thể đánh mất thị trường mà chúng ta mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Theo Thứ trưởng Trung, các nước nhập khẩu đang nâng cao rào cản kỹ thuật, các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và ATTP ngày càng trở nên khắt khe. Các quốc gia có lợi thế về xuất khẩu nông sản như Thái Lan và một số quốc gia Nam Mỹ... đang tích cực thay đổi, cải tiến hệ thống sản xuất nông nghiệp để mở rộng thị phần sang các thị trường tiềm năng. Những điều này đang thúc ép chúng ta phải thay đổi, nếu không sẽ tụt hậu và mất thị trường.

Để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản thì việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là điều kiện nền tảng, tiên quyết. Đây cũng là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu và hoàn toàn phù hợp theo các thông lệ quốc tế, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.