Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh
Những ngày này, người nông dân ở xứ dừa Bến Tre đang phải bán dừa khô với giá 2.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá vẫn giữ ở mức 6.500 đồng/trái. Đáng nói, nhiều cơ sở đang ngừng hoặc hạn chế thu mua khiến dừa khô tồn đọng, nguy cơ bị hư hỏng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, giá sụt giảm do thị trường nhập khẩu chủ lực là Trung Quốc thực hiện chính sách "zero covid", làm sản lượng dừa khô xuất sang thị trường này giảm gần 80%.
Hiện Bến Tre có 77.000 ha trồng dừa, đạt hơn 600 triệu trái mỗi năm, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa đạt 3.500 tỷ đồng. Việc giá dừa giảm mạnh, kéo dài trong khi chi phí xăng dầu, phân bón tăng cao khiến thu nhập người trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng bởi vậy, tỉnh này mới đây đã phải gửi văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ dừa cho bà con nông dân.
Không chỉ có dừa Bến Tre, từ cuối năm 2021 đến nay, việc thị trường Trung Quốc giảm nhập, duy trì chính sách “zero covid” khiến nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam rơi vào tình trạng bế tắc đầu ra dẫn đến rớt giá thảm.
Vào thời điểm cuối tháng 4, ở "vương quốc xoài" Cái Bè (Tiền Giang), xoài Đài Loan có thời điểm giá rớt còn 500 đồng/kg… Trong khi, tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), xoài Cát Chu cũng rớt giá. Loại ngon giá cũng chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Riêng xoài Đài Loan hái bán tại vườn giá rẻ như cho, 500-1.000 đồng/kg. Vậy nhưng, thương lái vẫn không tha thiết thu mua.
Tại vựa xoài Cam Lâm (Khánh Hoà) hơn một tháng nay giá xoài Úc giảm dần đều. Xoài Úc loại 1 được thu mua với giá 12.000-13.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, loại 3 đã xuống mức 2.000 đồng/kg.
Thời điểm đầu năm nay, ở các thủ phủ dưa hấu ở Gia Lai, Phú Yên, Bình Định,... giá loại trái cây này tụt xuống đáy, chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg. Nông dân trồng thanh long cũng thua lỗ nặng khi giá mặt hàng này rớt thảm.
Hiện Trung Quốc là thị trường chính của rau quả Việt xuất khẩu. Thế nhưng, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các rào cản kỹ thuật được siết chặt và nước này duy trì chính sách “Zero Covid”.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6/2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 799,7 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, thế mạnh này của Việt Nam hụt thu hơn 400 triệu USD.
Việc sụt giảm ở thị trường Trung Quốc kéo theo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 17,1% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,68 tỷ USD.
Nguy cơ đã được cảnh báo
Với 1,5 tỷ dân, Trung Quốc được xác định là thị trường lớn tiêu thụ các loại rau quả. Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý khi xuất khẩu sang quốc gia này. Song, chuyên gia cho rằng, thị trường này đã thay đổi, không còn dễ tính như trước. Bởi vậy, phải chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đi tiểu ngạch nhiều rủi ro, không thể bền vững.
Những năm gần đây, Bộ NN-PTNT đã tích cực đàm phán để với phía Trung Quốc để các loại rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Tính đến tháng 7 năm nay, nước ta đã có 11 loại trái cây được cấp “visa” vào Trung Quốc.
Cấp ‘visa’ cho trái cây vào thị trường Trung Quốc cho thấy con đường xuất khẩu tiểu ngạch của nông sản Việt dần khép lại.
Vấn đề này dù đã được cảnh báo cũng như thông báo từ trước đó, nhưng ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thừa nhận, vẫn nhiều doanh nghiệp thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch. Thế nên, lúc họ siết chặt, mình trở tay không kịp.
Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua trung gian, đường bộ như như hiện nay.
Trước đây thường chỉ xảy ra ùn tắc với thanh long, dưa hấu, hoặc chuối. Bây giờ thì tất cả các mặt hàng đều gặp khó khi thông quan. Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, họ không chỉ đưa ra lý do chống dịch covid mà đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Họ không còn là thị trường dễ tính như trước nữa, cho thấy chúng ta cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản. Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở nước ta đã khai thác tốt đường biển.
Thực tế, Trung Quốc siết chặt rào cản kỹ thuật, thực hiện chính sách “zero covid” với tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu chứ không chỉ áp riêng với nước ta. Song, trái ngược với Việt Nam, xuất khẩu rau quả Thái Lan sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng đột biến.
Điển hình như xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc tăng từ 2,51 tỷ USD năm 2020 lên hơn 3 tỷ USD năm 2021. Quý 1 năm 2022, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan tiếp tục tăng tới 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để duy trì được mức tăng trưởng mạnh và bền vững, ngoài kiểm soát tốt chất lượng và vùng trồng, nghiên cứu rõ thị hiếu của thị trường Trung Quốc, Thái Lan thay vì chỉ đi bằng đường bộ, họ chọn vận chuyển cả bằng đường biểm, đường sắt và đường hàng không để giảm thiểu rủi ro, tránh ùn tắc.
Trong thư ngỏ nhân sự kiện Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này vào ngày 11/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.
Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc…
Theo ông, dù với bất kỳ một loại nông sản nào, muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải “đi cùng nhau”. Nông dân “đi cùng nhau” trong một hình thức hợp tác; doanh nghiệp “đi cùng nhau” trong một hiệp hội ngành hàng. Các địa phương có vùng trồng cũng cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng. Điều quan trọng là phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới về việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Sản lượng trái cây, rau củ tới 28 triệu tấn/năm, nếu cứ mãi xuất tiểu ngạch qua đường bộ, không đẩy mạnh chế biến thì hàng dội chợ, dân mua ăn tươi sao hết. Phải thay đổi tư duy để phát triển theo con đường bền vững.