Thêm 35 dự án FDI trong nửa đầu năm

Thông tin này được ghi nhận tại cuộc hội thảo: “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19” vào ngày 6-7 tại TPHCM. Hội thảo do các Hiệp hội gỗ, tổ chức Forest Trends tổ chức chia sẻ báo cáo “ Ngành công nghiệp gỗ dán Việt Nam: Định vị và giảm thiểu rủi ro để phát triền bền vững trong tương lai”.

{keywords}
Các doanh nghiệp gỗ nội thất đang lo lắng trước quyết định chính thức điều tra mặt hàng gỗ dán. Ảnh minh hoạ: VT.

Tại hội thảo, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết trong nửa đầu năm nay, Việt Nam tiếp nhận thêm 35 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới trong ngành gỗ với số vốn đăng ký là 173,37 triệu đô la Mỹ, trong đó gỗ dán có 2 dự án với số vốn 14 triệu đô la.

Như vậy, tính đến nay Việt Nam tiếp nhận 53 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào mặt hàng gỗ dán, với tổng vốn đầu tư 276,45 triệu đô la. Đáng chú ý, theo lãnh đạo Vifores, trong giai đoạn từ năm 2015 cho tới nay số dự án FDI mới vào Việt Nam với mặt hàng gỗ dán tăng mạnh, 42 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư hơn 243 triệu đô la.

Trong số này, theo ông Hoài, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán ở Việt Nam với 29 dự án có tổng vốn đầu tư 150,87 triệu đô la, chiếm tỷ trọng 55% tổng số dự án.

Theo giới phân tích sự mở rộng và đầu tư mới của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ trong nước đã góp phần đẩy gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong những năm qua.

Mặt khác, Trung Quốc còn là thị trường cung cấp gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm đến gần 90% về lượng và giá trị nhập trong vài năm gần đây. Năm ngoái, nền kinh tế này cung cấp cho Việt Nam trên 474,4 nghìn m3 gỗ dán, đạt hơn 188 triệu đô la. Rủi ro trong khâu sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào cho các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng tủ bếp.

Theo các chuyên gia, thực trạng trên khiến cho mặt hàng gỗ dán đã và đang đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế từ nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cả mặt hàng gỗ dán xuất khẩu lẫn gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất thành phẩm khác.

{keywords}
Một góc về hội thảo trên diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng

Sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc, khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các vụ kiện chống lấn tránh thuế và chống bán phá giá. Hàn Quốc và Mỹ trong thời gian qua đã có quyết định khởi kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế mặt hàng này, Hàn Quốc đã áp thuế tạm mới mức thuế từ 9,18 – 10,56% (tuy nhiên 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn).

Gỗ dán - mặt hàng đang bị DOC điều tra

Đáng chú ý, vào ngày 9-6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức ra quyết định điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam – một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây.

Quyết định điều tra được ban hành dựa trên những cáo buộc về gian lận thương mại liên quan tới mặt hàng này từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Động thái này có tác động trực tiếp tới ngành gỗ Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán nói riêng.

Dù sẽ phải mất một khoảng thời gian để Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng, song theo các doanh nghiệp và giới phân tích, động thái này đang ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán nói riêng và ngành gỗ trong nước nói chung.

Bởi nếu Mỹ áp thuế, không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề, tác động của nó còn lan đến các hộ dân trồng rừng làm nguyên liệu sản xuất gỗ dán.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo Vifores khuyến cáo các doanh nghiệp cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc nhập khẩu và sản xuất gỗ dán trong nước, góp phần cung cấp thông tin đầy đủ cho chuỗi cung ứng nội địa. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa, sự chuyển dịch đầu tư… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được các rủi ro trong thời gian tới.

Gỗ dán là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công nghiệp gỗ Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán đạt gần 800 triệu đô la, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Hai thị trường quan trọng nhập khẩu mặt hàng này là Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

(Theo TBKTSG Online)