Theo ông Triệu Thần Hân, những dự định trên là một phần trong các nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao.
Tờ China Daily đã dẫn lời ông Triệu Thần Hân phát biểu hôm qua (17/10) tại một cuộc họp báo bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh. Quan chức này cho biết, Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ ở cấp độ chính quyền trung ương cho các dự án đầu tư nước ngoài trong danh sách sắp tới về quy hoạch công nghiệp, sử dụng đất, đánh giá bảo vệ môi trường và tiêu thụ năng lượng.
Danh sách đầu tiên được công bố vào năm 2018.
Danh mục ngành sẽ được cập nhật để tăng cường hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực như sản xuất tiên tiến và dịch vụ hiện đại tại các khu vực trung tâm, phía tây và đông bắc của Trung Quốc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia nói thêm, các biện pháp chính sách để thúc đẩy chất lượng và số lượng đầu tư nước ngoài cũng sẽ được ban hành, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất.
Theo các nhà phân tích, động thái trên là một phần của những nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm giải phóng hơn nữa tiềm năng của đầu tư nước ngoài trong khi duy trì chủ nghĩa đa phương và tăng cường mở cửa mức độ cao.
Một báo cáo được đưa ra tại phiên khai mạc Đại hội 20 cho biết, Trung Quốc sẽ thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao. Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ tận dụng sức mạnh của thị trường nội địa to lớn để thu hút các nguồn lực và yếu tố sản xuất toàn cầu, tăng cường tác động qua lại giữa các thị trường và nguồn lực trong nước và quốc tế.
Ông Liu Ying, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: "Dù chủ nghĩa bảo hộ và thái độ chống toàn cầu hóa đang gia tăng trên thế giới, Trung Quốc quyết tâm mở cửa ở mức độ cao bằng những hành động cụ thể. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới nhằm củng cố hơn nữa vai trò của Trung Quốc (như một sự đặt cược an toàn cho đầu tư nước ngoài) và quan trọng hơn là làm cho Trung Quốc trở thành một quốc gia ổn định cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu - vốn đang chịu tác động từ Covid-19, các vấn đề địa chính trị và lãi suất tăng vọt ở các nền kinh tế phát triển".
Ông Triệu Thần Hân nói, việc theo đuổi mô hình phát triển lưu thông kép (lấy thị trường trong nước làm trụ cột và cho phép thị trường trong nước và quốc tế củng cố lẫn nhau) không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thu hẹp quy mô mở cửa hay tìm kiếm sự phát triển phía sau những cánh cửa khép chặt. "Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa toàn diện ở mức độ cao và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế cởi mở hơn, cân bằng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người".