Trong cuộc họp báo ngày 2/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lý giải quyết định của Bắc Kinh từ ngày 2/12 hoãn xem xét các đơn xin của tàu quân sự Mỹ được phép tới Hong Kong nghỉ ngơi và bảo dưỡng, là "phản ứng lại cách hành xử vô lý của phía Mỹ".

{keywords}
 

Bên cạnh đó, Trung Quốc áp các biện pháp trừng phạt lên các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ như Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), Viện Dân chủ quốc gia về các vấn đề quốc tế, Viện Cộng hòa quốc tế... vì đã ủng hộ các hoạt động bạo lực ở Hong Kong.

“Họ phải chịu một phần trách nhiệm cho tình hình hỗn loạn ở Hong Kong, và họ phải bị trừng phạt và trả giá”, bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố.

Yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ Hong Kong, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh cảnh báo Trung Quốc có thể hành động thêm nữa để bảo vệ an ninh và lãnh thổ quốc gia.

Hôm 27/11, Tổng thống Trump đã ký thành luật Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua văn bản này vào ngày 19 và 20/11. Theo đó, Mỹ được phép áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc và Hong Kong có hành vi vi phạm nhân quyền.

Chủ nhân Nhà Trắng lý giải: "Tôi ký dự luật này vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong. Chúng được ban hành với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong có thể giải quyết một cách thân thiện những khác biệt của họ, mở ra hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người".

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, luật trên cho phép Mỹ đình chỉ quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong dựa vào chứng nhận hàng năm của Bộ Ngoại giao ở Washington rằng Hong Kong có còn duy trì đủ mức độ tự trị theo khuôn khổ "một quốc gia, hai chế độ" hay không. Nó cũng cho phép Bộ này trừng phạt những quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị coi là vi phạm nhân quyền ở Hong Kong, đồng thời không từ chối thị thực đối với những cá nhân bị bắt hoặc giam giữ vì động cơ chính trị ở đặc khu.

Các nhà chức trách Mỹ cũng sẽ tiến hành đánh giá thường niên để xem xét liệu Hong Kong có thực thi đầy đủ các quy định xuất khẩu cùng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc. 

Tổng thống Trump cũng đồng thời ký thông qua luật cấm bán hơi cay, đạn cao su và các thiết bị khác được lực lượng an ninh Hong Kong sử dụng để đối phó người biểu tình.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phía Trung Quốc đã lập tức triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để trao công hàm "phản đối mạnh mẽ", cảnh báo sẽ có những "biện pháp đối phó quyết liệt và Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả". Chính quyền Hong Kong cũng bày tỏ "cực kỳ lấy làm tiếc" về quyết định của ông Trump và cáo buộc Washington can thiệp công việc nội bộ của đặc khu.

"Hai đạo luật rõ ràng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong" - một quan chức chính quyền Hong Kong cho biết, chỉ ra rằng động thái của Mỹ sẽ "gửi thông điệp sai tới người biểu tình".

Trong một thông cáo, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của Quốc vụ viện Trung Quốc “lên án mạnh mẽ” hành động của Tổng thống Trump và tố chính Mỹ là “thế lực lớn nhất đứng đằng sau làm loạn Hong Kong”.

Một số chuyên gia cho rằng, động thái của Washington sẽ khiến mối quan hệ ngoại giao song phương Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng càng thêm phức tạp. Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng đạo luật chưa chắc giúp được người biểu tình Hong Kong đạt được mục đích mà lại khiến quan hệ giữa hai cường quốc thế giới xấu đi.

Cũng có ý kiến cho rằng, Trung Quốc thể hiện lập trường và đưa ra những phát ngôn cứng rắn nhưng trên thực tế không có nhiều lựa chọn để đáp trả Mỹ, nhất là trong bối cảnh phải dành ưu tiên lớn cho giải quyết cuộc thương chiến song phương đang diễn ra gay gắt. 

Thanh Hảo