Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí năm 2022 diễn ra vào sáng 14/7, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh nhiều thông tin quan trọng liên quan đến công tác cán bộ.

32/63 bí thư không phải người địa phương

Trong đó, bà Mai đề cập đến kết quả thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Cụ thể, tới nay cả nước có 32/63 bí thư không phải người địa phương. Theo mục tiêu của Nghị quyết 26 về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược các cấp, nhất là cấp chiến lược có năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đến cuối nhiệm kỳ này cơ bản bí thư không phải người địa phương. 

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu 2 câu hỏi mà bà hay gặp phải. Đó là: “Bí thư là người địa phương có phải tốt hơn bí thư không phải người địa phương không? Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: TTXVN

Bằng thực tiễn trong ngành tổ chức, bà Mai khẳng định: “Về cơ bản bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn. Tất nhiên mình không máy móc, một số đồng chí là cán bộ người dân tộc thiểu số thì đồng chí là đại diện tốt nhất cho cộng đồng lớn nhất của địa bàn đó thì phải là bí thư của tỉnh đó. Đồng chí qua địa phương không có cộng đồng đó bố trí có khi không phù hợp”.

Theo bà Mai, bí thư không phải người địa phương có thể phải có thời gian tiếp cận để hiểu biết địa bàn nhưng khi về địa phương điều quan trọng nữa là “anh phải giữ gìn”. “Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở đó họ soi vào, anh phải giữ gìn. Anh phải khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý.

Còn người địa phương, theo bà Mai phân tích, không phải không tốt, tùy theo cán bộ nhưng phải nói người từ nơi khác đến động lực khác so với người địa phương vì họ dễ ỉ lại "sống lâu lên lão làng".

Một nội dung khác cũng được bà Mai nhấn mạnh nhiều điểm mới, đó là về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng. Cụ thể là Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi mở rộng xây dựng chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị. Theo đó, công tác xây dựng dựng chỉnh đốn Đảng không chỉ ngăn chặn đẩy lùi mà còn chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi, tạo bước đột phá, cường độ, cấp độ cao hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn. 

Trong đó bà Mai nhấn mạnh đến việc phê và tự phê. Thực tế có những tấm gương nói những tiếng nói khác biệt được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cáo. 

Cụ thể như vụ xử lý Saigon Coop vừa rồi mà ông Diệp Dũng Chủ tịch, trong Ban Thường vụ Đảng ủy Coopmart có 2 đồng chí đấu tranh ngay từ đầu. Nhưng tập thể chỉ theo ý kiến chủ tịch. Sau đó họ viết thư, viết đơn cho Thành ủy TP.HCM. 

“Vừa rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định với thái độ như vậy thì không xử lý kỷ luật, chỉ rút kinh nghiệm. Tôi nói với anh Tú (Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương-PV), anh làm vậy mới động viên người trong đội ngũ dám nói”, bà Mai nhấn mạnh.

Tương tự, bà Mai nêu trường hợp Bí thư Bình Thuận Dương Văn An cũng là người dám nói ý kiến khác, là những tấm gương, những người đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để đảm bảo sự trong sạch, đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng. 

6 người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử tù

Về bố trí sắp xếp cán bộ, bà Mai cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay tham mưu, phê chuẩn bầu 50 chức danh nhà nước; tham mưu khá nhiều cán bộ đáp ứng yêu cầu sắp xếp bộ máy đầu nhiệm kỳ, nhất là ủy viên Trung ương và ủy viên dự khuyết. 

“Tuy nhiên, phải nói một điều rất không tốt là từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có 17 đồng chí thuộc phạm vi Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Trong đó có 4 người bị khai trừ, 2 bị cách chức, 1 bị tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, 5 cảnh cáo, 5 khiển trách và trong 17 người có 6 người bị xử tù”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.

Dẫn chứng gần đây nhất là việc xử lý 2 Ủy viên Trung ương (ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long) mới giữ chức năm thứ 2, bà Mai cho rằng, đây là điều đáng tiếc nhưng phải xử lý nghiêm, không nao núng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị sáng nay

Hiện cả nước có hơn 5,2 triệu đảng viên, so với 2010, tăng hơn 1,4 triệu (38,1%). Số đảng viên trên dân số là 5,4%, cứ 100 người dân thì 5,4 đảng viên. 

Về quy hoạch cán bộ, bà Mai cho hay, điểm mới là lần này xác định 3 nhóm chức danh để quy hoạch. “Trước quy hoạch làm 3 nhóm đối tượng 1-2-3. Qua đại hội vừa rồi thấy người nhóm 2 "đầu không tới trời, chân không chạm tới đất”. Nhóm đối tượng 1 vào Trung ương, nhóm đối tượng 3 vào dự khuyết.

Còn lại, nhóm đối tượng 2 cấp vụ trưởng chẳng rơi vào đâu hết. Vì vậy, lần này chỉ quy hoạch theo 2 nhóm”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phân tích. Cụ thể, nhóm 1 là nhóm có thể tiếp cận ngay vị trí; nhóm 2 là chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng. 

Ngoài ra, bà Mai cũng nêu thực tiễn lâu nay có người vừa quy hoạch xong là bổ nhiệm luôn. Vì vậy, lần này khắc phục, khi quyết định quy hoạch sau 3 tháng mới làm quy trình bổ nhiệm, nếu được bổ nhiệm. 

“Phải có khoảng cách, không thể vừa quy hoạch đã bổ nhiệm gây phản cảm”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, số lượng quy hoạch cũng giảm. Cụ thể, trước đây một chức danh quy hoạch 4 người thì lần này một chức danh quy hoạch không quá 3 người, một người không quá 3 chức danh. 

“Trước đông quá, giới thiệu 100 ông thì 30 ông vào vị trí, 70 ông ngồi lại tâm tư. Trong quy hoạch mà chẳng được làm gì hết thì ông chán nên phải làm hẹp lại. Quy hoạch 60 ông thì phải được 30 ông. Như vậy cán bộ có hy vọng và động lực khác đi. Còn quy hoạch đông quá vào được ít thì tâm tư. Đông quá, nhìn vô mênh mông quá, không biết lúc nào mới chọn tới mình”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích.

Về luân chuyển cán bộ, bà Mai cho hay, chủ yếu đào tạo cán bộ trẻ, đi 3 năm và phải còn 10 năm công tác và lưu ý: "Không tăng thêm biên chế để luân chuyển. Về địa phương phải về làm việc. Toàn tâm toàn ý để làm việc. Đây là thay đổi. Luân chuyển theo kiểu này cũng không ồ ạt được. Đưa cán bộ địa phương về Trung ương và đưa nhân sự mới được bổ nhiệm ở Trung ương về địa phương”.

Còn việc bố trí công tác sau luân chuyển, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh là phải căn cứ kết quả công tác cán bộ trong thời gian luân chuyển, “không phải ông nào luân chuyển về là lên chức”. Cán bộ nào không sạch sẽ rất khó có sư quan tâm bổ nhiệm.

Hội nghị có sự tham gia của gần 1.500 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của cả nước; cán bộ, lãnh đạo làm công tác thông tin, tuyên truyền của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với sự đồng hành của Dự án phát triển báo chí Việt Nam do Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tài trợ.  

Tại hội nghị, các học viên nghe các chuyên gia về công tác xây dựng Đảng trao đổi, chia sẻ và cùng giải đáp những thắc mắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng với các nội dung chính về:

- Những nội dung mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng;

- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch;

- Những nội dung quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các nghị quyết Trung ương 4, 5 khóa XIII.

- Chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn đề tài và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng;

- Một số mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Khai trừ đảng cán bộ đưa, nhận hối lộ khi bổ nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Khai trừ đảng cán bộ đưa, nhận hối lộ khi bổ nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Đảng viên sẽ bị khai trừ đảng khi đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Mỗi năm Nhà nước chi 1.000 tỷ đồng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Mỗi năm Nhà nước chi 1.000 tỷ đồng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Thông tin này được được ra tại hội thảo góp ý xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 89/2021 do Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức ngày 5/7.
Trưởng Ban Nội chính T.Ư: Nhiều án tham nhũng nghiêm trọng có bóng dáng cán bộ tiếp tay

Trưởng Ban Nội chính T.Ư: Nhiều án tham nhũng nghiêm trọng có bóng dáng cán bộ tiếp tay

Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu thực tế, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng có bóng dáng cán bộ, công chức tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu.