Sáng 20/8, nhân kỷ niệm 158 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1964-20/8/2022), ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW, ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cùng các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể  tỉnh Tiền Giang đã đến viếng, đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm người Anh hùng dân tộc tại khu lăng, mộ và đền thờ của Người tại Thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

truong ban tuyen giao trung uong dang huong anh hung dan toc truong Dinh hinh anh 1
Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW cùng đoàn cán bộ lão thành cách mạng đến thắp hương tại Khu lăng mộ Trương Định (thị xã Gò Công)

Tại khu lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định ở phường 1, (thị xã Gò Công) và đền thờ Người tại xã Gia Thuận, (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW cùng các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi thức đặt tràng hoa, thắp hương, dành những giây phút mặc niệm tưởng nhớ đến Anh hùng dân tộc Trương Định - một võ tướng tài ba, tấm gương bất khuất, kiên cường đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và tuẫn tiết một cách đầy khí phách.

Trương Định (còn có tên là Trương Công Định) sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi). Năm 1844, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (Tiền Giang).

truong ban tuyen giao trung uong dang huong anh hung dan toc truong Dinh hinh anh 2
Trưởng Ban Tuyên giáo TW thắp hương lên bàn thờ anh hùng dân tộc Trương Định

Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận để khai hoang phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước.

Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ, tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.

truong ban tuyen giao trung uong dang huong anh hung dan toc truong Dinh hinh anh 3
Nghi thức dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ người Anh hùng dũng cảm, khí phách

Để ghi nhớ công đức của Anh hùng dân tộc Trương Định, hàng năm, vào ngày 20/8, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ kỉ niệm thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc, một tấm gương bất khuất, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần giữ yên bờ cõi nước Nam.

Theo VOV