- Quy mô tối đa của một trường đại học vừa được Bộ GD-ĐT chính thức công bố tại Thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2016.
Thí sinh ĐKXT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2015 (Ảnh Lê Anh Dũng) |
Thông tư mới cũng áp dụng các tiêu chí mới trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường.
Nếu như trước đây, Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên chung của toàn trường, không phân chia theo ngành đào tạo, thì Thông tư 32 này thay đổi cách xác định chỉ tiêu theo tiêu chí tỉ lệ sinh viên chính quy trên giảng viên quy đổi theo mỗi khối ngành.
Cụ thể, có 7 khối ngành gồm Khối ngành y, dược; khối ngành khoa học sự sống và khoa học tự nhiên; khối ngành kỹ thuật, công nghệ; khối ngành nghệ thuật; khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; khối ngành kinh tế, văn hóa, xã hội; và khối ngành kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, luật với mức quy đổi từ 10 - 25 sinh viên/giảng viên tùy theo từng khối ngành.
Tiêu chí cơ sở vật chất yêu cầu diện tích sàn xây dựng trực tiếp không thấp hơn 2,5m2/ 1 sinh viên.
Và Bộ đưa ra một tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh thứ 3 chính là quy mô sinh viên tối đa của trường.
Thông tư 32 cũng quy định các trường ĐH đang đào tạo CĐ bắt buộc phải giảm chỉ tiêu CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh trình độ này của năm 2015, tiến tới dừng tuyển sinh hệ CĐ trong trường ĐH trước năm 2020.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước chỉ có 11 trường ĐH đang có quy mô đào tạo vượt mức 15 nghìn sinh viên chính quy.
Nhiều trường dù tỉ lệ giảng viên/ sinh viên đảm bảo quy định chung, nhưng nếu áp dụng quy định mới xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành thì có những có tỉ lệ sinh viên/ giảng viên rất cao. Theo lãnh đạo Bộ, khi các trường áp dụng quy định mới về xác định chỉ tiêu theo khối ngành, thì các trường cũng đã phần nào tự điều chỉnh hạ quy mô.
Ngân Anh