Theo quyết định do ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng GD-ĐT ký ngày 28/4, phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Gia Lai được thành lập trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Gia Lai. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thành lập phân hiệu tại tỉnh Gia Lai

Trao đổi với VietNamNet, bà Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng,Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tổ trưởng tổ Đề án Gia Lai - cho biết, đây mới chỉ bước đầu, trường sẽ tiếp tục thực hiện bước tiếp theo để Bộ GD-ĐT thẩm định ra quyết định thành lập phân hiệu.

Theo bà Ngọc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tiếp nhận nguyên trạng cơ sở vật chất Trường CĐ Sư phạm Gia Lai tại địa chỉ 126 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku. Đối với đội ngũ cán bộ giảng viên sẽ trao đổi cụ thể với các thầy cô xem nguyện vọng của họ thế nào.

Đối với việc đào tạo, nhà trường sẽ khảo sát nhu cầu thị trường của Gia Lai để lựa chọn một số chuyên ngành trọng điểm đang đào tạo tại TP.HCM, hướng đến đào tạo sau đại học, cũng như các hệ thống bồi dưỡng. 

Theo thông tin trên báo Gia Lai online, phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Gia Lai sẽ gồm các khoa: Giáo dục THCS, Sư phạm Nghệ thuật, Khoa Sư phạm Công nghệ; 1 trường mầm non sư phạm thực hành và 1 trường phổ thông liên cấp (tiểu học, THCS và THPT Sư phạm thực hành); 1 Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng; 1 Phòng Hành chính-Quản trị. 

Dự kiến những năm đầu phân hiệu có quy mô đào tạo đại học khoảng 800 sinh viên/năm ở các mã ngành: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Lịch sử-Địa lý, Giáo dục công dân, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật và Giáo dục thể chất.

Ngoài ra, cũng sẽ đào tạo khoảng 300 học viên/năm đối với chương trình thạc sĩ và khoảng 50 nghiên cứu sinh/năm đối với chương trình tiến sĩ; đồng thời, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT bình quân 15-30 ngàn lượt/năm.

Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Gia Lai cũng sẽ tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Campuchia; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên dạy tiếng dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Riêng các trường sư phạm thực hành tại Gia Lai, mỗi năm, bậc mầm non dự kiến sẽ tuyển sinh 420 trẻ/14 lớp; bậc tiểu học có 6 lớp với 210 học sinh; bậc THCS và THPT quy mô 10 lớp với 300 học sinh.