Hoa Lư - một trong 3 liên danh tham dự thầu gói thầu 5.10 Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư - vừa có bản kiến nghị khiếu nại ACV về việc liên danh Vietur là đơn vị duy nhất lọt qua vòng kỹ thuật.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện liên danh Hoa Lư cho biết liên danh các nhà thầu này đã có đơn khiếu nại và đã gửi đến các cơ quan chức năng.

"Liên danh đang tiến hành thực hiện quyền kiến nghị theo Luật Đấu thầu và chỉ dẫn của hồ sơ mời thầu, đơn kiến nghị đã được gửi đến các cơ quan nhà nước có liên quan theo qui định”, đại diện này khẳng định và không bình luận hay xác nhận nội dung gì thêm.

Trước đó, thị trường vừa rò rỉ thông tin liên danh này có đơn kiến nghị. Trong đó, có nhiều nội dung khiếu nại về gói thầu 5.10 trị giá hơn 35.200 tỷ đồng thi công Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành do ACV làm chủ đầu tư.

Theo đó có bằng chứng cho rằng thành viên đứng đầu liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành.

5.10 là gói thầu có trị giá lớn nhất trong dự án xây dựng Sân bay Long Thành.

Trong văn bản trên, Hoa Lư đưa một số bằng chứng cho rằng IC Holdings - doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên danh Vietur - không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để trúng thầu và kiến nghị ACV dừng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10 (vòng 2, sau vòng kỹ thuật) và đề nghị thẩm tra, xác minh lại năng lực của các liên danh nhà thầu, hoặc mời đơn vị độc lập thứ 3 (tư vấn quốc tế) có đầy đủ năng lực và chuyên môn để đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu của các bên.

Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10. Hoa Lư đưa ra là các link bài báo quốc tế đề cập đến các sự việc như: Chủ tịch công ty IC Holdings vướng vào nhiều nghi vấn tham nhũng; Công ty IC Holdings có lịch sử thi công chậm nhiều công trình và có lịch sử bị chấm dứt các dự án lớn, có lịch sử kiện tụng chủ đầu tư; Các kinh nghiệm xây dựng sân bay của IC Holdings là không đúng sự thật và có dấu hiệu bị chậm trễ.

Văn bản cũng cho rằng, IC Holdings là doanh nghiệp lần đầu tham gia đầu tư xây dựng ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm pháp luật Việt Nam cũng như các quy định xây dựng Việt Nam.

Cũng theo kiến nghị trong văn bản nói trên, việc chọn duy nhất một liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có khả năng đồng nghĩa với việc đơn vị trúng đã được xác định từ vòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá - yếu tố chiếm tỷ trọng 85% điểm trong tổng điểm lựa chọn đơn vị trúng thầu.

Hôm 1/8, ACV thông báo Liên danh Vietur (có 3 doanh nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương) đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu 5.10. Điều này đồng nghĩa, 2 liên danh còn lại là Hoa Lư và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors (do China Harbuor Engineering của Trung Quốc đứng đầu) bị loại khỏi quá trình đấu thầu.

Liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu, gồm 8 nhà thầu như Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering (PLE - Thái Lan). Đây là liên danh duy nhất do nhà thầu nội dẫn dắt và từng cam kết hoàn thành dự án vào tháng 8/2026 nếu trúng thầu.

Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại-Xây dựng ICISTAS đứng đầu. ICISTAS thuộc IC İbrahim Cecen Investment Holding, thành lập năm 1969. Đơn vị này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga... trong đó có các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari...

Trong liên danh này có sự xuất hiện của 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons là Newtecons, Ricons và SOL E&C.