Sáng 9/10/2023, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cán Tỷ và Trường Trung học cơ sở Cán Tỷ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) tổ chức Mô hình Truyền thông giới thiệu sách Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Tham gia chương trình có hơn 450 học sinh Trường Trung học cơ sở Cán Tỷ, 100% là người dân tộc Mông, sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn. 

img 4509.jpg
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu bộ sách Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới. Ảnh: B.M

Ông Tô Giang, tác giả 2 cuốn tự truyện “Đường xanh viễn xứ”, “Nếu không có ngày mai” đã chia sẻ với các học sinh người Mông câu chuyện của mình: Trồng cây cần sa ở nước Úc, bị bắt vào tù và nỗ lực thay đổi cuộc đời sau khi ra tù.

“Sách đã là một phần quan trọng giúp anh có thêm kiến thức và thêm động lực để vươn lên, vượt qua những định kiến xã hội để tự khẳng định mình, trở thành một công dân tốt”, ông Giang nói.

Cùng với đó, ông Giang cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế ở Việt Nam, nạn vượt biên để mưu sinh, sai lầm trong nhập cư, sống chui lủi, bị các tổ chức tội phạm lợi dụng, lôi kéo làm việc xấu…

Qua đó, ông Giang khuyên học sinh cần hiểu rõ hơn và chia sẻ về những nguy cơ của việc di cư bất hợp pháp với gia đình, người thân.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Người sáng lập Dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học” chia sẻ nhiều thông tin hữu ích từ câu chuyện sách tốt, sách xấu đến vấn đề bạn bè tuổi dậy thì và câu chuyện bạn khác giới. Những câu chuyện về giáo dục giới tính được bà chia sẻ một cách sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh. 

Không chỉ lắng nghe thông tin từ các diễn giả, học sinh của Trường Trung học cơ sở Cán Tỷ cũng đã mạnh dạn chia sẻ về những điều quan sát được trong cuộc sống, như việc người ốm không được đưa đi bệnh viện mà phải ở nhà chờ thầy cúng tới; người chết không được đưa vào quan tài ngay, để làm tang ma trong gần một tuần. 

Nhiều học sinh nhận thức được khái niệm bình đẳng giới trong gia đình thông qua những công việc thường nhật như chia sẻ việc nhà: mẹ nấu cơm, bố dạy con học, con lớn rửa bát, con thứ trông em... 

Với vai trò đồng hành với Dự án 8, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, đã giới thiệu bộ sách Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới gồm 4 cuốn: Em muốn được tới trường; Nhà hai nóc; Việc nhà là của chung; Thì ra mình cũng làm được.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng tủ sách trị giá 15 triệu đồng cho Trường Trung học cơ sở Cán Tỷ.

Được biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2022 có 10 dự án thành phần, trong đó giao Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. 

Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành gồm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc khu vực II, I (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135); xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền.