6 tháng sau khi phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam”, TS Nguyễn Mạnh Hùng - người khởi động dự án có những chia sẻ thú vị với VietNamNet trong hành trình lan toả văn hoá đọc.
Ý tưởng phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” đúng 6 tháng về trước có từ đâu, thưa ông?
Nó là tự nhiên thôi, 14 năm âm thầm lan toả văn hoá đọc, tổ chức rất nhiều chương trình hướng dẫn đọc sách siêu tốc, truyền cảm hứng đọc sách, nói chuyện về văn hoá, tặng nhiều sách, chuỗi chương trình “Reading Tour”, mở Nhà sách Bản quyền, các hoạt động chống sách lậu, sách giả,… đã mang lại những kết quả ban đầu. Rồi sau đó là ATM Gạo, ATM sách, tặng rất nhiều sách khi cả nước bị phong toả bởi Covid-19,… nhưng có lẽ vẫn chưa đủ.
Chúng tôi muốn có một cú hích lớn, kêu gọi và huy động đông đảo lực lượng toàn xã hội tham gia. Tôi luôn quan niệm việc nào dù lớn đến đâu mà đông người tham gia sẽ thành chuyện nhỏ, còn chuyện dù nhỏ đến đâu mà nhiều người cùng làm sẽ thành việc lớn. Đơn giản vậy thôi.
Hành trình khuyến đọc suốt 6 tháng qua, ông cảm thấy hài lòng?
Những con số mà các báo đài đã đưa tin như 62 tủ sách đã được tặng, mỗi tháng tặng các bạn đọc cá nhân 220 cuốn sách, 91 chương trình “Reading Books Together”, hơn 30 chương trình livestream kết nối với các tác giả, dịch giả, chuyên gia,… là bề nổi, là các con số.
Thành công nhất là sự thay đổi thái độ, thói quen của bạn đọc đối với sách và văn hoá đọc, là số lượng thư, email, nhắn tin cá nhân tôi và BTC nhận được mỗi ngày bày tỏ biết ơn và kể về những thành công của bạn đọc khi họ đọc và ứng dụng sách vào cuộc sống, là những hình ảnh tràn ngập hạnh phúc và năng lượng của chính bạn đọc khi đọc, thu nhận được từ những tác phẩm yêu thích. Hạnh phúc đó vô cùng lớn với BTC cũng như là những người làm công tác xuất bản.
Khuyến đọc Việt Nam đang nằm ở đâu, thưa ông?
Công tác khuyến đọc ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa thật sự tốt, cố gắng nhiều nhưng chưa đủ. Đấy là so với các nước trong khu vực chứ chưa nói với thế giới. Chúng ta chưa thật sự có những cơ quan truyền thông lớn chuyên tâm về văn hoá đọc, về khuyến đọc. Chúng ta vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị xuất bản với các cơ quan báo chí truyền thông, ngay cả các kênh mạng xã hội vẫn chưa tận dụng tối đa. Nói thật là, tôi muốn có một sự chuyển đổi mạnh trong khuyến đọc.
Tất nhiên, ở Việt Nam cũng có rất nhiều người có đóng góp cho công tác khuyến đọc, tôi không thể kể hết tên được. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến một vài nhân vật mà theo cá nhân tôi không thể không nhắc đến. Đó là anh Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng cục Xuất bản, nguyên Phó chủ tịch thường trực hội Xuất bản. Anh Kiểm rất tâm huyết, cụ thể, toàn tâm toàn ý. Rồi anh Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Anh Hùng mê đọc sách và khuyến đọc rất tốt từ hồi còn làm ở Viettel. Khi lên Bộ trưởng, anh luôn mua sách tặng, khuyến khích mọi lãnh đạo gương mẫu đọc.
Tôi nhớ có năm, Mùng 6 tết anh đặt mấy trăm cuốn Phụng sự để dẫn đầu để làm quà mừng tuổi lì xì năm mới trong phiên họp đầu tiên của Bộ. Anh mua cả ngàn cuốn Ikigai – đi tìm lý do thức dậy mỗi sáng để tặng. Anh luôn khuyến khích, động viên các đơn vị xuất bản, cấp dưới, bạn bè, người quen đọc và ứng dụng sách vào cuộc sống. Rồi anh Lê Hoàng, Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam của Hội Xuất bản cũng là người cần mẫn trong công tác khuyến đọc,...
Ông nhận định, tương lai các hoạt động “Khuyến đọc Việt Nam” sẽ như thế nào?
Một việc cần phải làm là tổ chức Giải thưởng khuyến đọc Việt Nam. Giải thưởng này phải danh giá, ấn tượng, khích lệ, khuyến khích những cá nhân và tập thể hết mình phụng sự cho văn hoá đọc. Một việc nữa là kết nối các nước ASEAN với nhau để khuyến khích cùng đọc sách.
Năm nay và sang năm 2023, Việt Nam giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN. Tôi đã đề xuất khẩu hiệu ONE ASEAN và cũng đề xuất có giải thưởng ASEAN BOOK AWARDS, tức là Giải thưởng Sách ASEAN nhưng cần tìm cách triển khai.
Chúng ta cần mở thêm nhiều khoá đọc sách nhanh, đọc sách siêu tốc, nhiều chương trình truyền cảm hứng đọc. Rồi các hoạt động hướng đến đọc và ứng dụng nội dung sách vào cuộc sống và công việc,… Tôi mong một ngày gần nhất người Việt Nam trung bình sẽ đọc trên 10 cuốn sách mỗi năm.
Bùi Trà My