Sáng 30/12, trao đổi với PV VietNamNet, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Phòng 3, Cục CSGT) cho biết, để chuẩn bị cho Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đơn vị đã hoàn thiện việc chuẩn bị lực lượng, cơ sở hạ tầng, phần mềm...
"Xác định vai trò nòng cốt trong quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ và xây dựng 5 Nghị định, 15 Thông tư phục vụ cho Luật Trật tự, an toàn giao thông", Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.
Lực lượng CSGT chuyển trạng thái từ thủ công sang công nghệ
Vị Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cho biết, để triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT nó riêng và lực lượng CSGT toàn quốc đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, phần mềm, Trung tâm Chỉ huy giao thông...
"Chuyển trạng thái công tác của CSGT, nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao từ thủ công sang công nghệ", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Về chuyên môn, nghiệp vụ, Cục CSGT đã tổ chức các lớp tập huấn cho công an các địa phương để thực thi nghiêm Luật ngay từ ngày đầu có hiệu lực, góp phần thiết lập lại kỷ cương, tạo thói quen cho người tham gia giao thông.
"CSGT các địa phương đã tiến hành nắm bắt các tuyến, điểm, ngã tư... phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các ngã tư có nhiều vi phạm để xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kĩ thuật để vận động người dân chấp hành Luật. Đáng chú ý, sẽ ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ, hệ thống giám sát, camera... cung cấp hình ảnh chứng minh vi phạm, bên cạnh với phát hiện trực tiếp", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Về quan điểm của Bộ Công an, Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm: "Không vùng cấm, không ngoại lệ". Nhưng cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định.
Trừ tối đa 10 điểm/vi phạm và chỉ tước bằng với hành vi gây nguy hiểm cao độ
Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm, Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
"Nghị định 168/2024 tăng cao mức xử phạt với các nhóm hành vi với lỗi cố ý, nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông", đại diện Cục CSGT nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, nghị định mới đã xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao. Thậm chí tịch thu phương tiện đối với một số hành vi như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…
"Đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt tiền được nâng từ 4 – 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng. Sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành", Đại tá Nguyễn Quang Nhật dẫn chứng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, tại Nghị định 168/2024 cũng quy định về việc trừ điểm giấy phép lái xe và tước bằng lái.
"Cơ quan soạn thảo đã căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm để áp dụng các hình thức phạt bổ sung như: Trừ điểm giấy phép lái xe, tước bằng, tịch thu tang vật... Các hành vi bị tước bằng là những hành vi gây nguy hiểm cao độ, tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông. Các hành vi khác sẽ bị trừ từ 2 đến tối đa là 10 điểm", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Ông Nhật cũng nêu ví dụ, vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển ô tô, nếu ở mức 1 ngoài bị xử phạt hành chính thì bị trừ 4 điểm, ở mức 2 bị trừ 10 điểm nhưng ở mức 3 sẽ tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Hoặc các hành vi không chấp hành tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông, điều khiển xe đi ngược chiều sẽ bị trừ 4 điểm.
Về việc trừ điểm giấy phép lái xe, Cục CSGT đã chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công, kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... kiểm soát xử lý thông tin về tạm giữ giấy phép lái xe từ 15/8.
Đại diện Cục CSGT cũng khuyến khích người dân tích hợp giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện lên hệ thống VNeID để tiện theo dõi.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi. Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Bằng lái sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Sau ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. |