Trend mới trên TikTok có thể khiến giới trẻ tin rằng mình bị các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh (Ảnh: Bloomberg). |
Mạng xã hội TikTok vốn là nền tảng đề các bạn trẻ cùng nhau chia sẻ những clip ngắn chủ yếu có nội dung hài hước. Tuy nhiên gần đây, trên xu hướng của Tiktok xuất hiện những clip mà trong đó các bạn trẻ tự nhận mình bị rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD), rối loạn lưỡng cực (bipolar) hay rối loạn đa nhân cách (dissociative identity disorder - DID). Các clip này thu hút hàng triệu lượt xem.
Được đăng tải cùng với hashtag #dissociative identity disorder và #borderline personality disorder, các video liệt kê những dấu hiệu để người xem tự đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân mình.
Samathan Fridley, 18 tuổi, chia sẻ rằng những video này khiến cô thật sự nghĩ bản thân đang bị bệnh tâm thần.
"Tôi nhớ rằng mình đã xem một clip ở trên một tài khoản có tên "For You" chỉ ra những dấu hiệu cho thấy thần kinh có vấn đề. Thật sự đó là lần đầu tiên tôi nghe về những căn bệnh như "rối loạn lưỡng cực" hay "rối loạn nhân cách ranh giới". Tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể mình đang mắc phải những chứng bệnh này, chứ không chỉ đơn thuần là chán nản hay lo âu", Fridley chia sẻ.
"Sau một thời gian dài trị liệu, tôi nhận ra mình không bị bệnh gì cả, chỉ đơn giản là lo lắng và chán nản mà thôi", Fridley nói.
Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần, rối loạn nhân cách ranh giới là căn bệnh vô cùng hiếm gặp, chỉ xảy ra với 1,4% người lớn ở Mỹ và hiếm khi được chẩn đoán với trẻ vị thành niên.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết những clip TikTok này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những đối tượng dễ bị tác động.
Chuyên gia tâm lý Ethan Kross, tác giả của cuốn sách "Chatter - Trò chuyện với chính mình" giải thích: "Nếu dành 15 phút, 30 phút hay 60 phút để xem đi xem lại mọi người nói về căn bệnh này, thì bạn sẽ có xu hướng thấy nó phổ biến hơn thực tế".
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian nói chuyện cởi mở với con cái của mình về sức khỏe tinh thần. Cụ thể, Ethan Kross khuyên cha mẹ nên "dành thời gian để thấu hiểu con cái" và đặt ra cho con những câu hỏi như: "những triệu chứng cảnh bảo về sức khỏe tinh thần của con xảy ra có thường xuyên không, có nghiêm trọng không, kéo dài bao lâu, có ảnh hưởng đến cuộc sống của con không". Nếu câu trả lời là Có, phụ huynh hãy đưa con đi chẩn đoán để có kết quả chính xác.
Phát biểu về vấn đề này, người phát ngôn của mạng xã hội TikTok khẳng định với trang ABC News: "Chúng tôi luôn quan tâm sâu sắc đến sức khỏe của cộng đồng, đó là lí do vì sao chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào mảng giáo dục kĩ thuật số hướng tới mục đích giúp mọi người có thể đánh giá và hiểu được nội dung mà họ đang tương tác. Chúng tôi hoàn toàn khuyến khích mọi người tìm đến chuyên gia y tế khi có vấn đề về sức khỏe."
Theo Dân trí
Cặp vợ chồng hóa giải lời nguyền 'vận rủi' đối với những người trúng số
Những người trúng số thường bị cho là dễ gặp vận rủi sau khi trúng giải, dù vậy, một cặp vợ chồng đã có cách để "hóa giải lời nguyền", sau hơn một thập kỷ trúng số, họ vẫn khỏe mạnh, hạnh phúc.