UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ra Quyết định về việc giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT năm 2022. Trong đó, 25 đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên, 12 đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Ở nhóm đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3), Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh có mức tự chủ năm 2022 cao nhất với 30%, tiếp theo là Trường THPT Ngô Quyền và Trường THPT Bãi Cháy với mức 20%. Mức 15% gồm 16 trường THPT và mức 10% gồm 6 THPT.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh - bà Châu Hoài Thu cho biết tự chủ tài chính đối với những trường công lập, cấp học phổ thông là vấn đề rất mới, với mục tiêu hướng tới tự chủ ở trường công lập để giảm chi ngân sách, giảm đầu tư và giảm số lượng người làm việc. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện thì không hề đơn giản.
Cũng theo bà Thu, vấn đề tự chủ tài chính với ngành giáo dục đã được phía Sở GD-ĐT Quảng Ninh nhen nhóm từ 2 năm học trước. Các trường trên địa bàn tỉnh cũng đã được trao đổi về xu hướng tất yếu sẽ là tự chủ tài chính, vấn đề là thực hiện các bước như thế nào.
"Tất cả phải thận trọng, cân nhắc, tính toán cho phù hợp là có lộ trình hợp lý, mỗi một năm học là tự chủ bao nhiêu phần trăm rồi dần dần tăng lên. Còn để tự chủ hoàn toàn đối với chi thường xuyên không phải dễ, bởi vì trường công lập không làm kinh tế, không có buôn bán dịch vụ nào cả, tất cả đều căn cứ vào việc thu học phí" - bà Thu nói.
"Đồng thời, việc thu học phí thì phải căn cứ vào các quy định của Trung ương và nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh về khung được phép thu học phí và mức sàn, mức trần thu như thế nào".
Chia sẻ thêm, vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho biết hiện tại, ở những vùng thuận lợi của Quảng Ninh cũng chỉ thu tối đa học phí mức 300 nghìn đồng/tháng.
Do đó, những trường đang xây dựng phương án tự chủ giáo dục cũng chỉ xây dựng mức thu không quá 300 nghìn đồng/tháng, bằng với khung mà giá trần học phí cho phép.
Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh có cơ chế hỗ trợ học phí cho học sinh công lập. Theo bà Thu, đây là thuận lợi cho việc tự chủ tài chính ngành giáo dục vì phụ huynh học sinh năm nay không phải đóng tiền mà được hỗ trợ từ nhà nước. Tuy nhiên, nếu năm học sau không còn cơ chế hỗ trợ nữa, người dân phải tự đóng tiền học phí thì việc tự chủ sẽ gặp khó khăn và phải tính toán lại để người dân đồng thuận.
Gần 55% thí sinh Quảng Ninh đạt điểm dưới 5 môn Ngoại ngữ thi vào lớp 10
Bộ ảnh kỷ yếu khiến dân mạng mê tít của học trò Quảng Ninh
Du học sau ly hôn, nữ tiến sĩ Quảng Ninh nên duyên với 'soái ca' Thượng Hải
Hai tháng sau ly hôn, Kim Liên quyết định tiếp tục đi du học để thực hiện ước mơ, vừa để quên đi biến cố đã xảy đến với cuộc đời mình. Nhưng cũng chính tại đây, cô gái trẻ lại gặp được người mà mình coi là “định mệnh”.