Sự hội nhập của thế giới hiện đại, là cuộc chơi bình đẳng, sòng phẳng thể hiện sức mạnh nội lực của mỗi quốc gia, không thể có sự chiếu cố, hay nhân nhượng. Mà muốn vậy, không chỉ cần có tư duy văn minh, hiện đại, tầm nhìn chiến lược- quyết định sống còn, mà cần cả tấm lòng, khí phách biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Chợt nhớ câu thơ: Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Những ngày này, không hiểu sao, chợt nhớ bài thơ Tổ Quốc- nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, mỗi câu thơ như mỗi ngọn sóng Biển Đông xô bờ, rưng rưng và xa xót:

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Một câu thơ như câu hỏi nhói lòng!

{keywords}

Không nhói lòng sao được? Bởi từ thuở trái đất hình thành nên các quốc gia sau khi trải qua biết bao cuộc chinh chiến, bao thăng trầm ấm lạnh của lịch sử, trong thế giới hiện đại ngày nay, niềm tự hào của mỗi quốc gia là sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc kinh tế- XH hay …ngược lại để khẳng định đẳng cấp, thương hiệu quốc gia mình, hoặc thú nhận sự… bất lực. Với VN, hàng mấy chục năm qua, diện mạo XH đã có nhiều thay đổi lớn, từ hạ tầng cơ sở đến mức sống người dân. Nhưng tiếc thay, kinh tế- XH nước Việt so với yêu cầu phát triển, và so với tốc độ vận hành của nhiều quốc gia ngay trong khu vực như Campuchia, Lào đang tiến theo hướng thuận thì VN vẫn ở tình huống lý thuyết xanh tươi, cây đời… không xanh tươi lắm.

Trả lời phỏng vấn của báo VnEconomy, ngày 01/11, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội cho rằng: “Nhìn cả quá trình thì từ 2008 đến nay Việt Nam có xu hướng phát triển… ngược thế giới”. Ngược thế nào?

Ở tầm vĩ mô, theo ông Nguyễn Đức Kiên, tái cơ cấu kinh tế không có nhiều điểm sáng, tái cơ cấu đầu tư công không thành công, bội chi ngân sách vẫn cao. Tái cơ cấu DNNN chậm chạp, khi mà có 432 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải cổ phần hóa theo kế hoạch, nhưng đến nay còn hơn 100 tập đoàn, TCT chưa CPH được. Trong lúc DNNN nắm giữ 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản là gần 5 triệu tỷ đồng, không những không có tác động tích cực với nền kinh tế mà còn đang bon chen với DN dân doanh kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế. Chính sách tài khóa một đằng, chính sách tiền tệ một nẻo. Từ đó tốc độ nợ công tăng nợ cao hơn GDP. Tốc độ tăng nợ bình quân đến 18% bình quân, còn GDP tăng chỉ có 5,88%, rất nguy hiểm.

Đáng chú ý, quản lý nhà nước vẫn ngồi... “nhầm chỗ” khi can thiệp quá sâu vào kinh doanh.

Đây có lẽ là sự đi ngược lại nguyên lý chung của cơ chế kinh tế thị trường. Dư luận XH hẳn còn chưa quên, ông Tony Blair khi sang thăm VN vào tháng 3 năm nay đã có một lời khuyên chí tình xuất phát từ thực tiễn kinh tế thị trường nước Anh và các quốc gia phát triển: Đó là, trong cải cách kinh tế, vai trò của CP rất cần thiết khi bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo khuôn khổ cho nền kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, vai trò của CP lại không hiệu quả lắm trong điều hành các tổ chức kinh doanh, đưa ra sáng kiến với doanh nghiệp (DN).

Như vậy, về bản chất, trong sâu sa, tư duy của nước Việt vẫn là loại tư duy xưa cũ, bắt nguồn và mọc rễ từ nền kinh tế bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa, mà chưa phải là tư duy kinh tế thị trường, tôn trọng sự khác biệt và tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các loại hình DN khác nhau, bất kể DNNN, DN tư nhân, DN FDI, kinh tế hộ gia đình...

Trong muôn vàn sự đổi mới, có đổi mới nào không bắt đầu từ tư duy, từ nhận thức? Và cũng không có  sự gian khó nào bằng đổi mới tư duy. Tư duy xơ cứng, già cỗi chính là vật cản đầu tiên, rất ảo về hình hài nhưng rất thật trong những trì trệ của sự phát triển.

Ở một góc độ khác của tư duy này, đó là căn bệnh thành tích, mà như ông Nguyễn Đức Kiên đã thẳng thắn- khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là bệnh thành tích, thích theo chủ nghĩa dân túy mà không nhìn vào bản chất sự việc là mô hình tăng trưởng không thay đổi. Chúng ta đã không cầm cương được nền kinh tế. Nếu tình hình xấu thì bảo là do thế giới tác động mà không thấy khuyết điểm do điều hành

Điều này, ngẫu nhiên cũng trùng hợp với nhận xét của Bộ trưởng KH& ĐT Bùi Quang Vinh khi ông cho rằng, VN đang tồn tại 02 hệ thống chỉ tiêu quốc gia và hệ thống chỉ tiêu các bộ ngành. Cần làm rõ đâu là chỉ tiêu quốc gia, đâu là chỉ tiêu các bộ, ngành. Hệ thống chỉ tiêu quốc gia mang tính chất cốt lõi nhất, căn bản nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế, chứ không thể “một mình một chợ”.  Cái ông làm ra thành tích ấy thì thường con số không khách quan, bởi người ta vẫn muốn con số đẹp, vì vậy mới cần thống kê độc lập để có con số chính xác. (VietNamNet, ngày 04/11).

Đúng là tại cái nước Việt mình nó thế- như sự hài hước hóm hỉnh của GS Văn học Hoàng Ngọc Hiến khi còn sống. Phát ngôn này trở thành sự biện hộ chuẩn xác cho những bất cập của nước Việt một khi.... không giải thích được, vì sao!

{keywords}

Ở tầm vi mô, ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN bày tỏ lo lắng trước QH sáng 4/11 về năng suất lao động. Theo ông, Bộ KH & ĐT cho biết, nếu VN duy trì năng suất lao động bình quân trong giai đoạn 2007-2012 thì đến năm 2038 năng suất lao động của VN mới bắt kịp được Philippine, năm 2069 mới bắt kịp được Thái Lan.

Nhưng người viết bài muốn đặt câu hỏi: Liệu Thái Lan và Philippine có chịu.... đứng im để VN đuổi kịp không? Hay là tốc độ của VN 5 thì của họ 10, của VN 10 thì họ 20?

Nên sự xót xa và tự ái dân tộc của ông Đặng Ngọc Tùng là dễ hiểu, nhất là khi ông đặt câu hỏi: Năng suất lao động của chúng ta thấp có phải trách nhiệm người lao động hay không? Hay do CP điều hành nền kinh tế? Rồi cũng chính ông tự trả lời: Năng suất lao động quốc gia hoàn toàn không phải phụ thuộc vào người lao động mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là công nghệ. Chúng ta cứ lạm dụng nhân công giá rẻ mà nhập công nghệ lạc hậu vào thì làm sao nâng cao năng suất lao động? Cứ công nghệ rẻ của Trung Quốc cộng với nhân công rẻ của VN thì chết đất nước này trong những năm tới.

Đó là cách lý giải ở tầm vi mô. Hoàn toàn chính xác.

Nhưng ở tầm vĩ mô, người viết không đồng tình với cách lý giải của ông Nguyễn Đức Kiên, khi ông cho rằng, chính sách của ta đề ra rất đúng, lộ trình đề ra rất đúng, song thực hiện thì có vấn đề.

Lý giải này hoàn toàn không mới, thậm chí rất... cũ. Bởi XH đã nghe tới hàng mấy chục năm nay cách biện hộ này trước những “thất bát” về phát triển, trong kinh tế. Ở góc độ nào đó, nó cũng đậm “chất thành tích”.

Bởi nếu chính sách của ta đề ra rất đúng, thì vì sao môi trường kinh doanh cạnh tranh của nước Việt lại bị coi là thiếu lành mạnh, bất bình đẳng dai dẳng đến vậy? Khi mà các DNNN “hiện đang sử dụng 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 32% tổng GDP cả nước- nhận định của ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế TƯ (baomoi.com, ngày 06/6/2014). Trong khi DN tư nhân, dù đóng góp 39% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 50% GDP, nhưng lại không có những sự hỗ trợ các chính sách về đầu tư tài chính, đất đai, thuế má, chưa kể còn bị gây khó dễ trong các điều kiện kinh doanh (Tuần Việt Nam, ngày 17/10)

Chính sự bất bình đẳng, thiếu lành mạnh trong môi trường cạnh tranh nhất bên nặng, nhất bên nhẹ đó đã dẫn đến hai hệ lụy:

Một, các DNNN vừa được chiều chuộng, ưu tiên hỗ trợ đủ thứ, ngoại trừ một số DNNN ăn nên làm ra, vẫn là mảnh đất xin- cho mầu mỡ, nơi nảy nở các loại hoa hồng- thực đơn béo bở của lợi ích nhóm, mà thực chất là tệ nạn tham nhũng. Ngay cả khi để chuẩn bị cho hội nhập, ký kết TPP, chịu sự ràng buộc của những cam kết quốc tế, việc cổ phần hóa- một quy chuẩn không thể thiếu, thì tiến độ CPH cũng rất.... uể oải. Bởi nó thực sự đụng chạm tới lợi ích nhóm.

Hai, các DN tư nhân mặc dù đóng góp lớn, nhưng thiếu động lực để có tầm nhìn xa, có thể góp phần phát triển hơn nữa cho XH.

Bởi nếu chính sách phòng chống tham nhũng đúng đắn thì chắc chắn, giặc nội xâm phải bị đẩy lùi. Vậy tại sao, đến thời điểm này, tham nhũng vẫn “được” đánh giá là “trầm trọng”, “một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về đạo đức”? Phải chăng, cách đấu tranh phòng chống tham nhũng quá duy ý chí, khi chỉ đặt niềm tin ở cuộc vận động về tư tưởng, mà thiếu hẳn những giải pháp khoa học đã từng được các quốc gia văn minh áp dụng? Đó là xóa bỏ tận gốc cách giao thương bằng tiền mặt? Là thiết lập nền quản trị quốc gia công khai, minh bạch.

Chính vì thiếu hẳn những chính sách, sách lược đúng đắn đó, mà sự kê khai tài sản của quan chức trong diện quy định, rút cục vẫn là câu chuyện của một nửa sự thật không còn là sự thật. Khiến nước Việt đến thời điểm này, vẫn đứng trên ... cung bậc tham nhũng, mà dư âm cay đắng của nó luôn ám ảnh toàn XH.  

Cồng kềnh (ơ) cồng kềnh...

Bỗng nhiên người viết bài nhớ một giai điệu của ca khúc Huyền thoại Hồ Núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, khi nghĩ về một trong những nguyên nhân lớn của sự trì trệ phát triển kinh tế. Đó là sự cồng kềnh bộ máy. Cồng kềnh (ơ) cồng kềnh. Cồng kềnh (ơ) cồng kềnh...

Chả lẽ giờ đây, các nhà quản lý lại chính lại là tác giả của “huyền thoại”... cải cách hành chính?

Bởi cũng chính đầu năm 2015, CP đã quyết định lấy năm 2015 là năm Cải cách thủ tục hành chính. Quyết định này dựa trên thực tiễn bộ máy công chức đang mắc bệnh “béo phì”, với 2,8 triệu công chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính công. Đương nhiên, Bộ Nội vụ phải là “thầy thuốc” đưa ra phương án, lộ trình “giảm béo” bộ máy này đến năm 2020. Nếu ý tưởng thành hiện thực, sẽ góp phần làm thon nhẹ đi gánh nặng ngân sách quốc gia mà người dân luôn phải... oằn lưng gánh vác

Tuy nhiên tiến trình “giảm béo” bộ máy công chức có thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào việc ngành nội vụ có đủ giải pháp, năng lực không?

Chỉ biết, còn 02 tháng nữa là kết thúc năm 2015, thì điệp khúc cồng kềnh (ơ) cồng kềnh, cồng kềnh (ơ ) cồng kềnh bỗng tiếp tục ngân lên, tại nghị trường ngày 03/11 mới đây. Khi hai nữ ĐBQH- Phó Bí thư Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng và Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất, hoặc đề nghị QH mổ xẻ câu chuyện lãng phí trong bộ máy hiện nay để có quyết sách đúng.

Rõ ràng kế hoạch “giảm béo” bộ máy công chức xem ra, đã không thành công.

Cả hai nữ ĐBQH, với cách diễn đạt khác nhau, nhưng đều có những tâm đồng. Đó là cơ chế tuyển dụng bất cập, bởi không có sàng lọc. Thế nên nhiều người sống chết cũng phải tìm được cách có chân trong cái sự “béo phì”, vì ở môi trường không sàng lọc, sẽ chỉ có đến mà không có đi.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó là sự chồng chéo nhân sự, tìm việc cho người, không phải tìm người cho việc, đã nảy sinh hiện tượng bộ máy phát sinh "phục vụ chính mình" chiếm tỷ lệ 20-35% trong tổng biên chế .

Còn theo người viết bài này, có cả do tư duy quản lý, quy hoạch thiếu tầm nhìn chiến lược, tách – nhập, nhập- tách, khiến bộ máy quản lý khủng hoảng thừa mà không sao tinh gọn, bởi những lý do tế nhị. Chưa kể hiện tượng lợi ích nhóm một người làm quan cả họ được nhờ, hẳn không hiếm.

Thật ra, những hiện tượng mà hai ĐBQH nêu trên không mới. Nó cũng xưa như trái đất. Năm 2014, vấn đề “giảm béo” bộ máy đã được kiến nghị tại các phiên thảo luận của QH với hai mục tiêu: Tiết kiệm ngân sách và tinh giản bộ máy. Thế nhưng mục tiêu thì rõ, mà giải pháp thì hơi…. mờ, thậm chí hiệu ứng “ngược”. Bởi đến ngay Bộ Nội vụ, ngành chức năng từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ, công chức nhưng làm xong thì không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin… tăng! Đội ngũ hưởng lương thì rất lớn nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh. Rõ là ốc không mang nổi mình ốc…

Cũng  tại phiên thảo luận của QH năm 2014, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 03 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này.

Thế nhưng đến nay, hiện trạng tiếp tục nguyễn y vân. Để những điệp khúc về bộ máy nhân sự cồng kềnh (ơ) cồng kềnh… lại cất lên, lúng túng vì nan giải

Hóa ra, cải cách hành chính mới là cuộc cải cách khó khăn nhất. Nó đụng chạm đến cơm áo không đùa với …. công chức (mượn câu thơ của Xuân Diệu). Nhưng xét cho cùng, lỗi tại tư duy quản lý nước Việt luộm thuộm, ngắn hạn. Được biết, mới đây, ĐBQH Bùi Thị An đề nghị QH nên lấy năm 2016 là Năm tiết kiệm và kỷ cương hành chính (VOV, ngày 04/11)

Ôi trời! Người viết bài chỉ sợ, đến cuối năm 2016, lại được nghe điệp khúc tiếp cồng kềnh (ơ) cồng kềnh, cồng kềnh (ơ) cồng kềnh của … “huyền thoại” cải cách hành chính. Bởi mọi mục tiêu cần những giải pháp quyết đoán, văn minh khoa học, không nên lấy năm nọ, lấy năm kia để làm cái đích. Thực tế cho thấy có rất nhiều mục tiêu đã không… cán đích. Vì cách tư duy kế hoạch kiểu đó đầy duy ý chí, rút cục chẳng có hiệu quả.

Trong khi TPP đang sáp gần. Sự hội nhập của thế giới hiện đại, là cuộc chơi bình đẳng, sòng phẳng thể hiện sức mạnh nội lực của mỗi quốc gia, không thể có sự chiếu cố, hay nhân nhượng. Mà muốn vậy, không chỉ cần có tư duy văn minh, hiện đại, tầm nhìn chiến lược- quyết định sống còn, mà cần cả tấm lòng, khí phách biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Chợt nhớ câu thơ: Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Vâng, đó là câu hỏi day dứt cần thức tỉnh mỗi chúng ta, từ bậc lãnh đạo đến thường dân.

Kỳ Duyên