Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Vì vậy, họ phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức của mình "làm văn hoá phải có văn hoá".
Mới đây, ca sĩ Đức Tuấn đăng bộ ảnh với chủ đề Hội An - Phố cổ huyền bí gây bức xúc dư luận. Trong ảnh, ca sĩ mặc áo dài đứng và ngồi trên mái nhà tại khu phố cổ Hội An - nơi chính quyền và người dân địa phương hàng ngày đang nỗ lực bảo vệ sự vẹn nguyên của di sản.
Nhiều người cho rằng, đây là hành động thiếu hiểu biết của ca sĩ Đức Tuấn - nghệ sĩ từ trước tới nay rất thận trọng với hình ảnh cá nhân. Sáng tạo nghệ thuật là điều nên làm song không thể "ngồi lên di sản văn hoá" như vậy được.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng hành động của ca sĩ Đức Tuấn là “khó chấp nhận, vi phạm Luật Di sản”.
Trước đó, năm 2019, người dân Hội An cũng phẫn nộ khi cô gái được cho là người mẫu, diễn viên hoạt động tại một sân khấu kịch ở TPHCM tung clip quay cảnh nude bán thân, lấy nón lá che ngực trên nóc nhà trong khu phố cổ.
Năm 2013, diễn viên Hiệp Gà cũng khoe hình ảnh mặc quần đùi áo phông, đu lên tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - nơi lưu lại những dấu ấn lịch sử của hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu, ngã xuống, để giữ từng thước đất cho nhân dân.
Năm 2011, ca sĩ Thủy Tiên cũng khiến khán giả tranh cãi gay gắt khi có những cảnh quay đứng trước bức tượng thể hiện tình cảm quân dân, thực hiện vũ đạo gợi cảm, trang phục cắt xẻ táo bạo trong MV Em đã quên, quay tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Thuỷ Tiên sau đó chỉnh sửa MV và xin lỗi khán giả.
Chỉ thoả mãn nhu cầu cá nhân, chưa trân trọng di sản
Thời đại toàn cầu hóa, các nghệ sĩ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và đa dạng trong sáng tạo, tiếp cận khán giả. Nhiều nghệ sĩ ý thức được việc lan toả di sản văn hoá Việt Nam trong các sản phẩm âm nhạc, thiết kế thời trang… nhưng cũng không ít người vẫn vô tư như trường hợp của ca sĩ Đức Tuấn.
Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Vì vậy, họ phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh và ứng xử xứng đáng với hai tiếng "nghệ sĩ" trước công chúng.
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ra Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Bộ quy tắc này không chỉ là cam kết đạo đức mà còn là công cụ hướng dẫn hành vi, nhấn mạnh vào việc tôn trọng giá trị văn hóa và thuần phong mỹ tục, là lời nhắc nhở nghệ sĩ chỉn chu hơn trong lời ăn, tiếng nói, chấm dứt những hành vi "lệch chuẩn"; là bộ khung, tiêu chuẩn để nghệ sĩ ứng xử có văn hóa.
Dù đã thiết lập được 2 năm, nhưng các ồn ào gần đây của nghệ sĩ cho thấy sự thiếu hụt trong việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
PGS.TS Trần Đức Ngôn cho rằng, những hành động xâm phạm di sản như vẽ bậy, chụp ảnh… tưởng bình thường nhưng lại rất tệ hại. Nó làm mất đi mỹ quan cũng như vẻ đẹp của người Việt Nam bởi chưa nhận thức được di sản văn hoá là điều thiêng liêng, họ đang thoả mãn việc ghi dấu ấn bản thân chứ chưa có sự trân trọng với di sản.
Theo ông Ngôn, cần có chế tài mạnh hơn, sai phạm cần xử phạt nghiêm minh.
Tại khoản 3 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 và Điều 13 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các một trong các hành vi sau đây:
- Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
- Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá.
Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa được quy định tại Điều 20 Nghị định 38/2021, cụ thể:
- Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ bị xử lý với mức phạt tương đương. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa có thể lên đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.