Phố quận Long Thành của tôi ngày ấy chỉ có mỗi rạp hát Thuận Thiên nằm giữa trung tâm. Chẳng biết nó được xây dựng vào năm nào nhưng dưới con mắt trẻ thơ của con bé vừa qua tuổi lên 10 thì nó thật to lớn, chứa đầy những ma mị lôi cuốn của phim ảnh, cải lương, đại nhạc hội… 

rap hat.jpg
Ảnh minh hoạ: Pexels

Trên nóc rạp hát, phía mặt tiền là hai chữ Thuận Thiên màu đỏ rất lớn, mỗi khi sáng đèn là có những dây đèn đủ màu sặc sỡ bên cạnh cái “ô bạc lưa” ra rả giới thiệu bộ phim sắp chiếu hoặc tuồng cải lương sắp diễn.

Ngay trên tường chỗ cửa ra vào, người ta treo hình ảnh các đào kép chánh cải lương của đoàn, bên hông dần dần treo hình đào kép phụ…

Tôi nhớ mình đã chiêm ngưỡng không biết bao nhiêu lần hình ảnh Mỹ Châu, Lệ Thuỷ, Minh Vương, Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Ngọc Giàu, Văn Hường, Ngọc Đáng… và rất nhiều nghệ sĩ của các đoàn cải lương lớn nhỏ như Dạ Lý Hương, Kim Chung, Kim Chưởng, Tinh Hoa…

Hôm nào có đại nhạc hội thì ngắm nghía Giang Tử, Chế Linh, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền, Hùng Cường… với hình các vũ công múa lửa, xiếc, ảo thuật… Còn hàng ngày rạp treo các poster giới thiệu phim Hồng Kông, Ấn Độ… thì xem hình Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Vương Vũ…

Nhà tôi nghèo, ba má chưa bao giờ cho tiền để mua vé vào rạp. Tôi toàn phải canh me khi gần hết chương trình người ta "xả giàn” thì vào xem cho thoả “đam mê” hoặc lựa lúc người soát vé đông quá không kiểm soát được thì len lỏi lách vào. Tôi vốn nhỏ con nên có khi tưởng tôi đi với phụ huynh.

Bên trong rạp có khoảng 200 ghế bằng gỗ có tay vịn, nhưng mặt ghế không được đóng cố định nên khi khán giả đồng loạt ra về thì nghe tiếng lẹt rẹt sập ghế.

Trên sân khấu khá rộng, đủ để những đại bang cải lương biểu diễn những vở có nhiều cảnh múa, võ thuật, diễn viên phải bay vèo vèo như Kiếm Sĩ Dơi hay Hành khất Đại hiệp chẳng hạn… hoặc những tuồng diễn nhiều cảnh có thể dựng trước phông nền để đỡ mất thời gian của khán giả. Phía dưới trước sân khấu là khoảng cong vòng cung dành cho dàn nhạc và bộ phận âm thanh, ánh sáng…

Dưới gầm sân khấu là nơi dành cho bộ phận hoá trang, phục trang, đạo cụ, thậm chí còn là nơi ăn nghỉ của anh chị em nghệ sĩ, nhân viên đoàn hát (không như bây giờ có điều kiện diễn xong thì về hoặc nghỉ khách sạn).

Gầm sân khấu cũng chính là nơi “quyến rũ” nhất, tôi thường tha thẩn xem các nghệ sĩ hoá trang, kia công chúa đẹp tựa tiên nga tha thướt trong bộ cánh hồng đào, đây hoàng tử bạch mã nét khôi ngô trong trang phục trắng viền vàng mang đôi giày diễn mũi cong cong… vị quan thanh liêm chính trực mặt đỏ au đội mũ cánh chuồn… để rồi đêm về con bé ngủ mơ thấy mình là công chúa... xinh đẹp.

Tôi yêu sắc màu sân khấu, yêu những nhân vật trên sàn diễn, yêu luôn cảnh ồn ào náo nhiệt của âm thanh, tiếng nhạc... và yêu những tiếng rao vặt mời gọi mua mía ghim, quạt giấy kẹo singum, cóc, ổi, me ngào… Mỗi khi có suất diễn, nó như một phần không thể thiếu để hình thành niềm mơ ước trong tôi là sẽ có một ngày được đứng trên sân khấu này diễn cho mọi người coi.

Nhưng vòng xoáy cuộc đời đưa tôi xa rời nơi chôn nhau cắt rún, khi có dịp trở về thì phố quận đã đổi thay, rạp Thuận Thiên trong kí ức của tôi đã không còn, chỗ đó giờ là cửa hàng Điện máy xanh hoành tráng chẳng còn di tích rạp xưa.

Giờ thì tôi có đủ tiền để mua vé tất cả các xuất diễn mà tôi từng ao ước được xem, nhưng xin một vé về tuổi thơ với rạp Thuận Thiên ngày ấy chỉ là một ảo ảnh. Nghẹn ngào không thốt nên lời: ”Đã từng có một rạp hát như thế ở đây…”.

Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn!

Độc giả Nguyễn Oanh