Ông Nghĩa đến ngã tư Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng bán các sản phẩm tạo hình từ lá dừa nước vào mỗi 16h chiều.

“Vé về tuổi thơ”

16h, nắng chiều trải vàng trên ngã tư đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM). Hệt như chiếc đồng hồ được hẹn giờ, ông Nguyễn Văn Nghĩa (thường gọi là Lê Minh, SN 1954, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng xuất hiện.

Ông tỉ mẩn bày “gian hàng” đồ chơi độc đáo của mình là những con vật sinh động, ngộ nghĩnh như: cào cào, cá vàng, vẹt, chim công, thỏ, ngựa, nai… ở một góc vỉa hè.

Tất cả các sản phẩm trên đều được ông tạo hình bằng tay từ lá dừa nước. Mỗi sản phẩm dù có kết cấu phức tạp hay đơn giản đều được ông bán với giá 20.000 đồng.

Tại TP.HCM, các sản phẩm của ông Nghĩa được xem là “của hiếm”. Trong khi đó, ông được khách hàng gọi vui là “người bán vé trở về tuổi thơ”. Bởi, những châu chấu, chim, cò, cá... được tạo hình từ lá dừa ấy khiến nhiều người nhớ về thời thơ ấu của mình.

Ông Nghĩa đến với nghệ thuật xếp, tạo hình lá dừa nước một cách tình cờ. Trước đây, ông vốn là họa sĩ, có phòng tranh riêng tại TP.HCM.

Ông kể: “Tôi có năng khiếu và đam mê hội họa từ nhỏ. Thấy vậy, bố mẹ cho tôi vào học trong trường mỹ thuật. Đúng đam mê, tôi trở thành họa sĩ tranh sơn dầu lúc mới 15 tuổi”.

Thế nhưng "cơm, áo, gạo, tiền" không cho phép ông theo đuổi đam mê. Để mưu sinh, nuôi gia đình, ông đành cất cọ, làm đủ thứ nghề cực nhọc.

Tất cả sản phẩm đều được ông tạo hình bằng tay.

Mãi đến sau này, khi các con trưởng thành, ông mới có chút thảnh thơi, quay về với nghề vẽ. Ông mở phòng tranh, sáng tác nhiều tác phẩm hội họa được đánh giá cao.

Tuy vậy, 7 năm trước, thị lực của ông bỗng nhiên suy giảm trầm trọng. Dù đã được phẫu thuật nhưng đôi mắt không còn đủ sáng để ông theo đuổi đam mê hội họa nữa.

Những hôm ở nhà không có việc gì làm, ông Nghĩa nhớ đến ngày còn nhỏ, đi học ở quê. Lúc ấy, trước cổng trường của ông có một người bán cào cào thắt bằng lá dừa nước rất đẹp.

“Nhìn những con cào cào, cá vàng… được thắt bằng lá dừa nước vàng óng, tôi thích lắm. Thế là tôi xin ông ấy cho mình đi theo phụ bán. Cứ thế, sáng tôi đi học, chiều lại theo ông thắt cào cào lá dừa.

Ông đến với công việc này một cách tình cờ.

Sau đó, tôi được ông ấy dạy cách thắt các con vật bằng lá dừa. Nhưng học xong cũng chỉ để đó. Cách đây 7 năm, sau khi không vẽ được nữa, tôi mới nhớ đến việc xếp lá dừa. Ban đầu, tôi chỉ xếp cho con cháu chơi và để nhớ về tuổi thơ thôi”, ông kể.

“Nhưng sau đó, thấy mọi người thích nên tôi nghĩ đến việc xếp các con vật đem đi bán. Tôi bắt đầu nghiên cứu và xếp thêm nhiều con vật khác phức tạp hơn. Đến nay, tôi có thể xếp được 50 con vật khác nhau bằng lá dừa nước”, ông nói thêm.

“Giữ chút hồn quê”

Mỗi ngày, ông Nghĩa dậy thật sớm để đan, thắt, xếp các con vật bằng lá dừa nước. Ông sử dụng phần cờ bắp (lá non) có màu vàng, thân dài, không sâu bệnh của lá dừa nước để tạo hình.

Ông rọc bỏ phần gân lá rồi gấp, thắt… chiếc lá theo những hình khối đã định hình sẵn trong đầu. Đối với các con vật đơn giản, ông chỉ việc gấp, xếp và thắt chiếc lá để tạo hình.

Dẫu vậy, đến nay ông có thể tạo hình hơn 50 con vật từ lá dừa nước.

Tuy nhiên, đối với con vật phức tạp như: chim công, nai, vẹt, ngựa… ngoài kỹ thuật xếp, thắt, luồn lá dừa ông còn sử dụng ghim bấm để cố định. Để sản phẩm thêm sinh động, ông sử dụng bút màu trang trí, đính thêm mắt, râu…

Tùy độ khó, mỗi con vật, ông mất khoảng 5-20 phút mới hoàn thành. Ông thường chuẩn bị trước từ 20-40 sản phẩm để bày bán. Khi đến điểm bán, ông tiếp tục xếp trong lúc đợi khách đến mua.

Khách hàng của ông Nghĩa không kể người già, trẻ nhỏ. Thậm chí, ông bán cho cả người nước ngoài. Mỗi ngày, ông bán được 20 - 40 sản phẩm cho khách ở đủ mọi lứa tuổi.

Khách hàng của ông đủ mọi lứa tuổi.

Ông nói: “Khách của tôi người già, trẻ nhỏ, thanh niên đều có. Người có tuổi đến mua để nhớ về tuổi thơ, nhớ về món đồ chơi dân gian có từ xa xưa.

Trong khi đó, giới trẻ đến mua vì thích thú và thấy nó khác lạ. Các cháu nhỏ cũng rất thích. Đây là món đồ chơi rất an toàn, không độc hại và giàu truyền thống. Người nước ngoài thì muốn mua về làm quà tặng…”.

Không chỉ ngồi bán cào cào lá dừa, ông Nghĩa còn nhận đi trang trí cổng rạp lá dừa, biểu diễn tạo hình lá dừa nghệ thuật tại một số sự kiện. Tuổi già, mắt kém, trước đó, ông không được gia đình ủng hộ việc suốt ngày rong ruổi bán các sản phẩm tạo hình từ lá dừa.

Một cụ bà ghé "gian hàng" của ông Nghĩa để mua con cào cào lá dừa như một cách gợi nhớ tuổi thơ.

Thế nhưng, ông không muốn giam mình trong sự buồn chán ở nhà. Việc sáng tạo nghệ thuật từ lá dừa, được ra vỉa hè bán các sản phẩm của mình giúp tinh thần ông minh mẫn, vui sống.

Ông tâm sự: “Ban đầu, các con không cho tôi đi bán vì sợ tôi mệt. Nhưng ở nhà, tôi buồn tay buồn chân lắm. Việc liên tục suy nghĩ, tìm cách xếp, thắt được những con vật mới lạ từ lá dừa giúp tôi minh mẫn, vui hơn.

Một phụ huynh tranh thủ thời gian chờ đèn đỏ để mua con công bằng lá dừa tặng con mình.

Trong khi đó, lúc ra ngoài bán các sản phẩm của mình, tôi được giao lưu trò chuyện với mọi người. Mỗi khi được khách hàng, người đi đường khen các sản phẩm, tôi vui và thấy rất hạnh phúc. Sau này, hiểu được tâm tư của tôi, các con không ngăn cản nữa.

Ngoài ra, tôi mong giữ chút hồn quê thông qua món đồ chơi dân gian này. Tôi cũng mong thế hệ sau biết và gìn giữ trò chơi có từ thời ông bà. Thế nên, tôi luôn cố gắng truyền nghề miễn phí cho những người có đam mê”.